Với những bé này, bạn tạm thời có thể cho bé ăn cháo cơm từ gạo lức, ăn thêm mè đen, yến mạch, các loại củ như khoai lang, bí đỏ, đậu đen, đậu cô ve và trái cây như chuối, đu đủ, thanh long… thay thế. Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất là tập cho bé ăn đa dạng thực phẩm, nhất là rau củ.
Bạn cần tập cho bé ăn rau từ nhỏ qua việc băm vào cháo để bé quen dần mùi vị các loại rau. Khi bé ăn cơm, bạn lấy lá rau mềm, bỏ đi phần gân lá, sau đó xắt thật nhuyễn, nấu thật mềm, chấp nhận mất chút vitamin để bé dễ ăn. Khi bé đã ăn quen, bạn cho bé ăn cả lá rau, cuống rau và nấu vừa chín tới để giữ nguyên vitamin.
Thông thường, bé bắt chước người lớn ngay cả cách ăn uống và các món ăn. Vì thế, muốn tập cho bé ăn một loại rau củ nào đó thì cha mẹ phải ăn các loại rau củ đó trước, vừa ăn vừa khen, và chỉ cho bé ăn từ từ từng ít, tăng dần.
Khi chế biến, bạn cần phải tạo các món canh rau hay rau xào có màu sắc đẹp, vị thơm ngon để kích thích bé. Vừa ăn vừa nói cho bé nghe các công dụng của rau như ăn rau sẽ khỏe, không bị bệnh (sẽ không phải uống hay chích thuốc), môi sẽ đỏ (xinh gái), học bài mau thuộc, nhớ lâu… vì rau giúp chất sắt được hấp thu tốt sẽ không bị thiếu máu thiếu sắt (với những bé đã lớn)…
BS.CK1. Phan Thị Hiền Thu
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM