Thực phẩm giúp tăng chiều cao
- Những thực phẩm giàu đạm: thịt, cá, tôm, trứng, sữa, các loại đậu… cần cho sự xây dựng và tái tạo các mô của cơ thể, góp phần tạo các hoóc-môn tăng trưởng và men tiêu hóa.
- Những thực phẩm giàu canxi: sữa, cua đồng, cua biển, tép (cá con), tôm, cá nguyên xương, rau lá xanh… tham gia quá trình tạo xương, giúp xương vững chắc và phát triển chiều cao.
- Những thực phẩm giàu kẽm: hàu, sò, gan lợn (heo), thịt gà tây, thịt bò, thịt bê, trứng… cần cho sự tổng hợp các hoóc-môn giáp trạng, hoóc-môn tăng trưởng, hoóc-môn sinh dục (những hoóc-môn thúc đẩy quá trình phát triển chiều cao).
- Những thực phẩm giàu vitamin A: sữa, trứng, cá, gan, thịt… cần cho sự tăng trưởng, tăng sức đề kháng, chống nhiễm trùng.
- Những thực phẩm giàu vitamin D: cá, sữa, thịt, trứng, nấm, đậu. Tuy nhiên, vitamin D do thức ăn cung cấp chỉ đủ 20% nhu cầu, còn lại 80% nhu cầu được cung cấp là từ tác động của ánh sáng mặt trời chiếu vào da tạo ra, vì vậy, trẻ cần hoạt động ngoài trời để có đủ vitamin D. Khi đủ vitamin D, 60-70 % canxi ăn vào sẽ được hấp thu. Nếu không đủ vitamin D, chỉ có 10% canxi được hấp thu.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến chiều cao
Di truyền: là yếu tố cốt lõi quy định tốc độ và mức độ phát triển chiều cao của bé. Công thức ước tính chiều cao của bé như sau:
Con trai = Chiều cao bố (cm) + chiều cao mẹ (cm) + 12,7
2
Con gái = Chiều cao bố (cm) + chiều cao mẹ (cm) - 12,7
2
Vận động: Tăng hoạt động của tế bào tạo xương, giúp lắng đọng canxi vào xương tốt hơn, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chuyển hóa, giúp cơ thể bé phát triển tốt.
Tâm thần kinh: Tinh thần ổn định, phấn chấn, giấc ngủ sâu sẽ giúp cơ thể tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, trong giấc ngủ đêm, tuyến yên tiết ra hoóc-môn tăng trưởng GH, hoóc-môn này sẽ kích thích sự tăng trưởng của bé.
Môi trường sống: Môi trường tự nhiên tốt, đủ ánh sáng, không gian đủ rộng cho sự vui chơi vận động, sẽ tạo điều kiện kích thích sự phát triển.
Giai đoạn nào bé tăng chiều cao nhanh nhất?
Thực sự, để đạt được chiều cao tối ưu khi đến tuổi trưởng thành, bé phải trải qua một quá trình đầu tư lâu dài ngay từ trong bụng mẹ. Cha mẹ phải chú ý chiều cao của con mỗi 1-3 tháng, nếu thấy đứng chiều cao là phải can thiệp ngay.
Có 3 giai đoạn quan trọng quyết định về chiều cao của bé là giai đoạn bào thai, giai đoạn hai năm đầu đời và giai đoạn dậy thì.
Giai đoạn bào thai: Nếu mẹ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, đầy đủ canxi và các khoáng chất thì bé sinh ra có chiều cao nền là 50 cm. Nếu mẹ ăn không đủ chất, thiếu canxi thì bé bị thiếu chiều cao ngay khi ra đời.
Giai đoạn hai năm đầu đời: Là giai đoạn tăng tốc về thể chất của bé. 1 tuổi, bé cao thêm 25 cm, tăng gấp rưỡi lúc sinh ra. Tròn 2 tuổi, bé thường cao 86 - 87 cm và cao khoảng bằng nửa người trưởng thành. Lúc này, cha mẹ cần cung cấp cho bé chế độ dinh dưỡng, đầy đủ, hợp lý để “tận dụng” tối đa “khả năng cao” cho bé.
Giai đoạn dậy thì: Trong năm trước khi dậy thì thực sự, bé có sự tăng vọt về chiều cao, khoảng 8 -10cm/năm. Sau một năm tăng tốc đột biến, bé sẽ tăng chiều cao chậm lại, thậm chí rất ít. Vì vậy, cha mẹ phải rất chú ý theo dõi giai đoạn này, cung cấp dinh dưỡng cho bé tốt, vận động đầy đủ, giấc ngủ và nghỉ ngơi hợp lý… thì dù gen có thấp, bé vẫn phát triển rất tốt, vượt qua được công thức ước tính chiều cao thông thường.
BS.CK1 Phan Thị Hiền Thu
Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM