Nám có thể xuất hiện ở mặt, hay gặp nhất là vùng gò má. Thông thường, nám sẽ tự khỏi sau khi sinh, nhưng thời gian cải thiện tùy người. Bạn nên ít tiếp xúc với ánh nắng (che mặt hay dùng kem chống nắng) để không làm trầm trọng nám da. Tuy nhiên, không vì vậy mà bạn bỏ qua nguồn vitamin D từ việc tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
Nám da còn xuất hiện ở các vùng kín (nách, bẹn, vùng sinh dục), hay ở đường dọc giữa bụng, gọi đúng hơn là “thâm da”.
Mụn là điều có thể gặp trong thai kỳ và rất gây phiền toái cho bà bầu. Mụn nhiều, nếu có nhiễm trùng cần sử dụng kháng sinh, bạn cũng phải chọn lọc loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Sau sinh, tình trạng mụn cũng lui dần. Bạn cần vệ sinh da mặt, tránh nặn mụn gây nhiễm trùng và việc dùng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ. Bạn còn có thể “mọc mụn” trên thân người, nhất là vùng thân, đôi khi chỉ là mụn nước gây ngứa, có khi là mụn mủ nhiễm trùng. Tình trạng này gây ngứa ngáy, khó chịu, có thể gây nhiễm trùng do gãi, trầy xước da, chảy máu.
Rạn da thường gặp ở vùng bụng, đùi do tình trạng da căng quá mức làm cho sợi collagen, một thành phần của lớp da, bị căng đứt và tạo sẹo. Nếu bạn tăng cân vừa phải, tăng đều đặn trong thai kỳ sẽ ít có nguy cơ rạn.
Màu da xanh xao xuất hiện khi bạn thiếu máu, có thể gặp ngay đầu thai kỳ nếu bạn có sức khỏe kém hay bị ốm nghén nặng; hay khoảng tháng thứ năm trở đi, là giai đoạn tăng trưởng nhanh của thai mà đôi khi dinh dưỡng của bạn không cung cấp đủ. Nếu được ăn uống và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tình trạng này sẽ được cải thiện.
ThS.BS. Đặng Lê Dung Hạnh
Trưởng khoa Khám bệnh A, BV Hùng Vương, TP.HCM