Nguy hiểm cho cả mẹ và bé
TS. Lê Minh Châu, Phó Trưởng khoa Khám bệnh (bệnh viện Phụ sản T.Ư) cho biết: rối loạn tăng huyết áp thường phát triển trong nửa thứ hai của thai kỳ ở những chị em có số đo huyết áp trước lúc mang thai hoàn toàn bình thường.
Thống kê cho thấy có khoảng 15% bà bầu bị chứng huyết áp cao và 25% trường hợp sinh non do tăng huyết áp. Tăng huyết áp gây tiền sản giật là nguy hiểm nhất, khoảng 1/4 bà bầu bị chứng bệnh này và đối mặt với nguy cơ tử vong cho mẹ và con. Nguy cơ tiền sản giật sẽ tăng gấp đôi nếu bà bầu bị tăng huyết áp thai kỳ trước tuần thứ 30. Nếu tăng huyết áp xuất hiện vào tuần thứ 36 của thai kỳ thì nguy cơ này chỉ còn 10%.
Tăng huyết áp trong tiền sản giật phải được điều trị nội trú tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Nhiều trường hợp điều trị nội khoa không kết quả, phải mổ lấy thai sớm vì sức khỏe của mẹ. Những bà bầu tăng huyết áp đơn thuần không có các biểu hiện của tiền sản giật phải theo dõi huyết áp thường xuyên.
Huyết áp cao khi mang thai có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi như thai chậm phát triển, đứt nhau thai và thai chết lưu, sinh non… Những người bị tăng huyết áp ở lần mang thai đầu có nguy cơ cao bị tăng huyết áp ở lần mang thai sau. Với thai nhi, do tình trạng máu nuôi kém, có thể khiến thai nhẹ cân hay suy dinh dưỡng. Theo các chuyên gia sản khoa, các bệnh lý huyết áp của thai kỳ phần lớn giảm nhiều sau khi thai được sinh ra.
Cần phát hiện sớm và kiểm soát
PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh (bệnh viện Phụ sản T.Ư) cho biết: phụ nữ mang thai cần phải khám thai định kỳ và đo huyết áp mỗi lần khám thai.
Hầu hết các trường hợp bà bầu bị tăng huyết áp đều có những biểu hiện bên ngoài dễ nhận ra như cảm giác căng thẳng, khó chịu, nhức đầu, thấy ù ù trong tai, hoa mắt, chóng mặt, nếu nhìn thấy mờ đi thì bệnh đã nặng. Khi xuất hiện triệu chứng trên, chị em cần nghĩ ngay đến cao huyết áp do nhiễm độc thai nghén. Đây là hiện tượng rất hay xuất hiện ở sau tuần thứ 24 của thai kỳ.
Nếu phát hiện bị cao huyết áp trước khi mang thai (cao huyết áp mãn tính), chị em phải điều trị ổn định tùy theo căn nguyên gây tăng huyết áp. Ngoài ra, bà bầu cần tuân thủ một chế độ vận động, luyện tập hằng ngày. Đặc biệt, trong thời gian mang thai, chị em nên hạn chế dùng muối và các món ăn mặn, tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ, nên nghỉ ngơi nhiều, nằm nghiêng về bên trái là tư thế ngủ có lợi nhất.
Khi có những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, nhìn mờ hoặc phù nhiều ở mặt, tay chân, tăng cân nhanh, đau nhiều ở vùng bụng trên, thai phụ cần đi khám ngay.
Minh Linh