Với chuyên môn cộng thêm kinh nghiệm của một người đã từng làm mẹ, BS.CK1 Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM chia sẻ vài mẹo nhỏ của bản thân trong việc khắc phục những triệu chứng khó ở của mình trong giai đoạn chị mang thai.
Nghén: Do thay đổi nội tiết tố, phụ nữ mang thai thường bị buồn nôn và nôn ói vào giai đọan đầu của thai kỳ. Thường sau 3 tháng, triệu chứng nghén sẽ hết. Lúc nghén, bạn cần chia nhỏ bữa ăn, không nên để bụng đói quá. Tránh dùng các thức phẩm có mùi gây buồn nôn, thức ăn chiên xào khó tiêu. Đừng nằm ngay sau khi ăn. Dùng bánh mì khô, bánh qui và nghỉ ngơi một lúc sẽ giúp chống nôn. Nên ăn sáng sớm, ăn thành nhiều bữa trong ngày, có thể ăn bất cứ món nào mình có thể ăn, bất kỳ giờ nào có thể ăn… để đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết.
Khó thở: Giai đoạn cuối thai kỳ, tử cung to có thể đè lên cơ hoành gây ra cảm giác khó thở. Tuy nhiên, đây cũng có thể là triệu chứng của thiếu máu. Khi có triệu chứng này, bạn nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, tối ngủ kê thêm gối. Nếu khó thở thường xuyên và kéo dài nên đi khám bác sĩ.
Vọp bẻ (chuột rút), tê tay chân: Nguyên nhân do thiếu canxi. Thai phụ có thể xoa bóp bắp chân, bàn tay để giảm đau, giảm khó chịu. Bên cạnh đó, bạn cần uống thêm sữa hoặc ăn tôm, tép nguyên vỏ, cá nhỏ nguyên xương, thông báo với bác sĩ để được cho uống thêm canxi bổ sung.
Táo bón: Đây là triệu cứng phổ biến, để tránh táo bón, thai phụ cần uống đủ nước (6-8 ly mỗi ngày), ăn nhiều rau, khoai, củ, trái cây; tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn sẽ giúp giảm táo bón. Tránh dùng thuốc xổ (thuốc nhuận trường). Nếu bón kéo dài nên đi khám bác sĩ.
Phù chân: Do thai lớn chèn ép tĩnh mạch nên hai chân có thể bị phù mềm vào tháng cuối thai kỳ. Khắc phục bằng cách năng đi lại nếu công việc phải đứng nhiều, khi ngồi hay nằm thì gác chân cao lên. Tuy nhiên, trong thai kỳ nếu thấy phù chân, cần đi khám thai để được đo huyết áp và thử đạm niệu phát hiện tình trạng “nhiễm độc thai nghén” nếu có.
Minh Hương