Thay đổi về cơ thể học
Trong thai kỳ, cơ quan sinh dục thay đổi rõ rệt nhất, trong đó tử cung thay đổi nhiều nhất. Ba tháng đầu, tử cung còn nhỏ, nằm trong hố chậu. Đến tháng thứ tư, tử cung đã lớn hơn và tiếp tục phát triển, tăng nhanh về thể tích và nằm trong vùng bụng của mẹ. Đến tháng thứ 6, đáy tử cung nằm ngang rốn và tháng thứ 8, nó đã lên gần sát vùng thượng vị, hạ sườn. Vào những tuần cuối thai kỳ, đáy tử cung sụt xuống một chút do thai nhi bắt đầu lọt vào tiểu khung của mẹ để chuẩn bị chào đời.
Chính những thay đổi của tử cung sẽ làm thay đổi vóc dáng và tư thế của mẹ. Cột sống lưng ngày càng cong, bụng to, đổ ra trước cùng với sự phát triển và tăng trọng của bầu sữa mẹ làm cho mẹ có dáng vóc đặc trưng của “bà bầu”.
Thay đổi về biến dưỡng
- Trọng lượng cơ thể: Ở ba tháng đầu thai kỳ, trọng lượng cơ thể mẹ tăng không quá 1,5 kg do nghén, thậm chí, một số mẹ còn bị sụt cân. Trong ba tháng giữa, trung bình mỗi tuần mẹ tăng 0,5 kg. Ba tháng cuối, mẹ tăng cân nhanh, từ 4 - 5 kg, những tuần cuối có thể tăng đột ngột từ 1 - 1,5 kg/tuần. Mẹ có thể tăng cân đột ngột và nhanh do phù. Phù có thể xuất hiện ở chi dưới do hệ thống bạch huyết vùng chậu bị chèn ép, hoặc phù ở chi trên, ở bụng, ở mặt hoặc toàn thân do bệnh lý, đặc biệt là do tiền sản giật.
- Biến dưỡng căn bản, biến dưỡng chất đạm, chất béo và chất đường đều tăng. Đặc biệt, đối với chất đạm, nếu mẹ ăn uống đầy đủ sẽ có sự tích lũy chất đạm, giúp thai nhi, tử cung và nguồn sữa mẹ tăng trưởng. Đối với chất đường, bình thường, đường huyết hạ, dễ đi tiểu ra đường vì thận dễ thải đường hơn và cơ thể bớt dùng đường. Vì vậy, nếu ăn uống quá nhiều đường, thai phụ dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Thay đổi về nội tiết
Ngoài buồng trứng, tất cả các tuyến nội tiết khác đều tăng hoạt năng. Tuyến thượng thận tăng sinh, tuyến giáp trạng lớn lên, biến dưỡng căn bản và iod huyết tương tăng, phì đại tuyến phó giáp trạng, ảnh hưởng trên biến dưỡng canxi.
Tình trạng nội tiết của bà bầu biến đổi một cách sâu sắc ngay từ đầu thai kỳ. Các hoóc-môn sinh dục trước tiên được tiết ra từ hoàng thể thai kỳ, sau đó, chúng sẽ được tiết ra từ nhau thai. Chính những biến đổi về nội tiết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những biến đổi về thần kinh, tiêu hoá, tiết niệu, xương khớp…
Những biến đổi khác
- Huyết học: Máu loãng hơn vì giữ nước, số lượng hồng cầu trong máu hơi giảm vì lượng huyết tương tăng nhiều. Bạch cầu cũng hơi tăng. Thể tích máu tăng khoảng 6 - 7 lít, vì vậy, tim phải làm việc nhiều hơn nên dễ có suy tim ở những người đã có bệnh tim sẵn.
- Hô hấp: Vào những tháng cuối thai kỳ, tử cung chứa thai nhi to lên nhiều do thai nhi phát triển để đạt cân nặng tối đa sẽ đẩy cơ hoành lên trên, gây chèn ép phổi và làm cho tim bị nằm ngang hơn, thai phụ thở nông và nhanh, tim dễ đập mạnh, nhanh và mệt nhọc… Những người có tử cung quá to như thai to, đa thai, đa ối thường có khó thở và thở nhanh hơn.
- Hệ tiêu hoá: Ba tháng đầu thai kỳ, thai phụ hay bị nôn hoặc buồn nôn, thích ăn thức ăn lạ. Từ tháng thứ tư trở đi, những triệu chứng này giảm dần và đa số bà bầu trở lại ăn uống bình thường. Hoạt năng dạ dày và dịch vị giảm nên dễ bị sôi bung. Nhu động ruột giảm và đại tràng bị tử cung chèn ép nên dễ bị táo bón.
- Hệ tiết niệu: Niêm mạc bàng quang bị phù, niệu quản giảm nhu động, dài và cong queo, nên dẫn lưu nước tiểu giảm và là nguyên nhân làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Hệ thần kinh: Hơi mất thăng bằng về thần kinh nên thai phụ cảm thấy khó chịu, trở nên khó tính, dễ xúc động, nóng giận, buồn bực một cách vô cớ.
- Hệ xương khớp: Các khớp mềm và giãn, nhất là các khớp ở khung chậu (khớp vệ, khớp cùng cụt). Những thay đổi khác như uỡn xương sống và hiện tượng mất canxi. Bệnh sâu răng trở nên trầm trọng hơn.
Như vậy, trong suốt quá trình mang thai, bà bầu chịu nhiều biến đổi trên toàn cơ thể do nhiều tác nhân khác nhau. Để theo dõi tốt thai nghén và có thái độ thích ứng với những thay đổi này, bà bầu cần hiểu rõ và phân biệt những biến đổi mang tính sinh lý này với những tình trạng bệnh lý khác nhau.
TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy
Phó Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM