Vì sao bị nhau tiền đạo?
Nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ, người ta cho rằng khi sự tuần hoàn dinh dưỡng của niêm mạc tử cung ở vùng đáy tử cung bị giảm sút, bánh nhau sẽ trải rộng diện tích bám để bù trừ sự thiếu hụt này, do đó bánh nhau sẽ bám lan xuống đoạn dưới tử cung.
Nhau tiền đạo thường gặp ở những sản phụ lớn tuổi, có vết mổ cũ, sinh nhiều lần, có nạo sảy thai, bị viêm nhiễm tử cung. Tuy nhiên cũng có thể gặp ở những trường hợp có thai con so, không tiền căn bệnh lý phụ khoa. Những trường hợp này có thể do trứng thụ tinh làm tổ ở gần đoạn eo tử cung nên bánh nhau sẽ phát triển ở vùng đoạn dưới.
Các dấu hiệu nghi ngờ nhau tiền đạo
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, đột ngột thai phụ bị ra huyết đỏ tươi, có thể nhiều hoặc ít, đông cục lại, không kèm theo đau bụng. Triệu chứng ra huyết âm đạo có thể lập lại nhiều lần và lần sau thường ra huyết nhiều hơn lần trước. Nếu thai phụ đi lại nhiều, làm việc nặng, giao hợp không đúng cách… thì dễ bị ra huyết hơn.
Những ảnh hưởng của nhau tiền đạo?
- Ra huyết âm đạo gây thiếu máu ở mẹ. Nếu ra huyết nhiều có khi gây tử vong.
- Do mẹ bị thiếu máu vì ra huyết nhiều nên thai nhi dễ suy dinh dưỡng, suy thai.
- Khi mẹ bị ra huyết nhiều, để cứu mẹ, bác sĩ phải mổ lấy thai sớm không kể đến thai đủ tháng hay chưa. Khi đó, khả năng thai non tháng rất cao và bé dễ bị suy hô hấp vì non tháng và tử vong.
- Vì bánh nhau nằm ở phần dưới tử cung làm cho thai nhi khó xoay đầu xuống nên dễ dẫn đến ngôi bất thường…
Cần phải làm gì khi được chẩn đoán nhau thai tiền đạo?
Thai phụ nên đi khám thai đúng hẹn, dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi nhiều… theo lời khuyên của bác sĩ vì bị nhau tiền đạo đồng nghĩa với phải mổ lấy thai và mất máu trước và trong khi mổ, nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu có ra huyết âm đạo: Cần phải vào bệnh viện có khoa sản gần nhất để được điều trị. Tùy theo mức độ ra huyết và sự trưởng thành của thai nhi mà bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kỳ hay dưỡng thai thêm.
Nếu được dưỡng thai thêm: thai phụ cần nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, ăn uống bổ dưỡng.
Nếu không ra huyết âm đạo và thai nhi còn non tháng: nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, tránh đi chơi xa, không làm việc nặng, kiêng giao hợp.
Không ra huyết âm đạo và thai lớn hơn hoặc bằng 37 tuần: vào bệnh viện có khoa sản để được theo dõi và có hướng xử trí thích hợp.
BS.CK2 Nguyễn Thái Hà
Nguyên trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, BV Từ Dũ (TP.HCM)