Phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường của đa số bà bầ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phù chân nằm trong bệnh cảnh phù toàn thân khá nghiêm trọng.
Tại sao có phù chân?
Khi mang thai vào các tháng cuối, bụng to sẽ chèn ép tuần hoàn máu gây hiện tượng ứ đọng tuần hoàn tĩnh mạch vùng chi dưới, dẫn đến phù chân. Phù, lúc đó, chỉ xuất hiện ở chân, thường sau một ngày làm việc, đi lại hay đứng nhiều. Sau khi nằm nghỉ ngơi, phù chân sẽ hết, thường vào sáng sớm ngủ dậy sẽ không còn chân phù. Vì vậy, bạn sẽ thấy phù chân xuất hiện theo chu lỳ: sáng – tối, làm việc – nghỉ ngơi. Lúc này, bạn không cần lo lắng.
Để giảm phù, bạn cần nằm nghỉ ngơi, gác chân cao, tránh đứng hay đi lại nhiều vào các tháng cuối. Ăn nhạt hay ăn mặn đều không ảnh hưởng đến phù chân sinh lý.
Thế nhưng cũng có bà bầu thắc mắc, “sao tôi không bị phù chân”? Thật ra, gần như bà bầu nào cũng bị phù chân sinh lý, nhưng có người phù nhiều có người phù ít nên không nhận ra. Nhận biết phù chân rất dễ, khi thấy bàn chân sưng to, hoặc chân có cảm giác nặng, thấy mang giày dép chật hơn bình thường, hay ấn phía trước xương cẳng chân thấy lõm.
Phù chân khi nào là dấu hiệu nguy hiểm?
Tuy nhiên, phù còn xuất hiện khi bà bầu có các bệnh lý huyết áp, thận hay tim mạch. Diễn tiến phù lúc này sẽ khác hơn. Phù xuất hiện sớm hơn, không đợi đến khi bụng to có chèn ép, không xuất hiện theo chu kỳ sáng - tối hay làm việc – nghỉ ngơi nữa. Phù cũng không giảm khi nằm nghỉ ngơi hay vào sáng sớm ngủ dậy. Phù không chỉ ở chân, mà còn phù tay (ngón tay múp hẳn lên, đeo nhẫn chật hơn bình thường), mặt (cảm giác nặng mi, mọng vùng quanh mắt, ấn lõm vùng xương trán).
Ngoài các dấu hiệu trên, bà bầu cũng có thể nghi ngờ phù qua diễn tiến cân nặng. Bình thường, bà bầu hiếm khi tăng hơn 1kg/tuần nhưng nếu bị phù thì cân nặng tăng sẽ bất thường. Tuy nhiên, bà bầu cần cân trên một chiếc cân cố định với lượng quần áo qua các lần cân và thời điểm cân giống nhau thì mới biết chính xác việc tăng cân của mình.
Nếu bị phù do có các bệnh lý thận thì bà bầu sẽ thấy lượng nước tiểu ít hơn so với bình thường.
Phù bệnh lý còn có thể gặp khi có bệnh tiền sản giật (gặp khi thai từ 20 tuần, gồm có cao huyết áp, phù và nước tiểu có đạm), bệnh thận (thường nhất là hội chứng thận hư). Với phù dạng này, chỉ có điều trị bệnh tận gốc mới làm giảm phù. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ yêu cầu áp dụng thực đơn riêng nếu bà bầu có bệnh lý về thận.
ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh
Trưởng khoa Khám bệnh A, BV Hùng Vương (TP.HCM)