Có một nghịch lý thường xảy ra cho các bà bầu: trước khi sinh, nhất là lúc đang chuyển dạ, trong khi cơn đau làm cho bà bầu không muốn ăn lại thường được khuyến khích ăn uống rất nhiều món bổ dưỡng, nhằm mục đích có sức để sinh; và trong thời gian cho con bú sau sinh, đáng lẽ ra cần ăn uống để bồi bổ sức khỏe và nuôi con bú thì lại bị hạn chế, kiêng khem đủ thứ.
Cần tăng về chất và lượng
Thật ra, sau sinh, mẹ nên có chế độ dinh dưỡng như lúc chưa sinh. Có nghĩa là về mặt số lượng, nên thêm khoảng một bữa ăn (300 - 500 kcal) cho mỗi ngày; về mặt chất lượng, nên tăng thêm nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm, chất sắt và canxi. Thậm chí, việc uống sữa giống như khi chưa sinh cũng rất tốt, sẽ giúp mẹ có đầy đủ canxi cũng như tăng cường thêm chất đạm, chất béo cho bé.
Bữa ăn truyền thống của người mẹ sau sinh thường là thịt hoặc cá kho mặn, rau luộc (miền Trung và miền Nam) hoặc thịt kho nghệ, cháo móng giò, canh rau ngót nấu thịt nạc (miền Bắc)… Những thực phẩm như tôm, cua, ốc, rau cải,… tuyệt đối không được ăn bởi sợ lạnh bụng, thức ăn sẽ qua sữa, khiến bé đi ngoài…
Tuy nhiên, thức ăn của mẹ, dù là bất kỳ loại thực phẩm nào, khi vào cơ thể mẹ, sẽ được chuyển hóa thành những chất căn bản (đường, đạm, béo, các loại khoáng chất và vitamin), sau đó sẽ được cơ thể mẹ tổng hợp lại để hình thành nên sữa mẹ tại tuyến vú. Có nghĩa là, không phải cứ mẹ ăn chua thì sữa mẹ sẽ chua, mẹ ăn nhiều mỡ thì sữa mẹ sẽ có nhiều mỡ, hay mẹ ăn cay thì sữa mẹ cay nồng… Do vậy, mẹ có thể ăn bất kỳ loại thức ăn nào, miễn là những món đó có nhiều năng lượng, không có nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa, không có những mầm bệnh có thể gây bệnh cho mẹ.
Chọn thực phẩm an toàn và đa dạng cách chế biến
Ngày nay, việc kiêng cữ trong ăn uống, nên hiểu là cần chọn lựa thực phẩm tươi ngon (an toàn và nhiều năng lượng), chế biến ngon miệng. Việc cho bà mẹ ăn nóng sốt, không dùng lại thức ăn cũ cũng chính là vì sợ mẹ có thể bị rối loạn tiêu hóa khi thức ăn để lâu và bị ôi thiu. Việc dùng gia vị để có được những khẩu vị khác nhau hoàn toàn có thể dùng được, chỉ cần lưu ý ăn cay quá có thể không tốt cho người có dạ dày yếu, hay sẽ dễ bị táo bón, hoặc ăn chua quá thì dễ bị tiêu chảy (chứ không phải làm bà mẹ dễ bị són tiểu sau sinh).
ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh
Trưởng khoa Khám bệnh A – Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM