Nguyên nhân của táo bón khi mang thai: Có khoảng 90% bà bầu có nguy cơ bị táo bón do ảnh hưởng của nội tiết tố thai kỳ. Nội tiết tố này sẽ làm giảm các nhu động ruột, đồng thời khi mang thai, tử cung của bà mẹ gia tăng kích thước và trọng lượng, chèn lên đại tràng, góp phần làm gia tăng tình trạng táo bón. Việc ăn uống thiếu chất xơ cũng như ít vận động cơ thể cũng làm cho táo bón trầm trọng hơn.
Hậu quả của táo bón khi mang thai: Táo bón làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng, bạn sẽ không thấy đói và ăn không ngon miệng, làm cho việc đại tiện khó khăn, phân trở nên quá cứng, có thể làm nứt hậu môn, gây chảy máu. Khi tống xuất phân quá cứng, bạn phải cố sức rặn nên rất dễ bị trĩ bởi các niêm mạc vùng hậu môn, trực tràng luôn trong tình trạng xung huyết (do ảnh hưởng nội tiết tố thai kỳ). Khi bị trĩ, bạn sẽ nhanh chóng bị xuất huyết, nhiễm trùng… gây ra khả năng không thể rặn sinh được, phải mổ lấy thai. Bạn cũng dễ gặp phải nguy cơ dọa sinh non và sinh non khi phải rặn mạnh trong lúc đại tiện táo bón.
Phòng chống táo bón: Dinh dưỡng tác nhân quan trọng trong phòng chống táo bón. Mỗi ngày, bạn nên ăn từ 30-35g chất xơ. Nguồn thực phẩm giàu chất xơ bao gồm các loại củ, quả, trái cây, rau, đặc biệt là các loại quả như: bơ, sầu riêng, ổi, kiwi, cam, lê, nho, chuối, xoài, đi đủ… Bạn nên uống nhiều nước và tránh những thực phẩm như socola, cà phê và đồ ăn nhiều gia vị. Ngoài ra, bạn nên chú ý vận động cơ thể để làm tăng nhu động ruột. Vận động cơ thể bằng cách đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ nhàng là biện pháp phòng tránh táo bón vừa đơn giản vừa hiệu quả.
Bà bầu cần làm gì khi bị táo bón?
Bạn tuyệt đối không nên uống thuốc xổ để tránh làm mất nước và tăng tình trạng táo bón. Bạn cũng không nênn sử dụng thường xuyên các loại thuốc bơm hậu môn chứa vaselin. Điều quan trọng nhất bạn cần làm là điều chỉnh chế độ ăn uống và vận động.
BS. Hoàng Thị Mỹ Ý
BV Từ Dũ (TP.HCM)