Sốt phát ban do vi-rút rubella
Sốt phát ban là một bệnh nhẹ, nếu đã nhiễm một lần trong đời là có miễn dịch gần như suốt đời, không để lại di chứng. Tuy nhiên, 90% bà bầu nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ gây ra dị tật nặng cho thai nhi như: điếc, tổn thương mắt, tổn thương tim.
Điều nguy hiểm là, điếc và tổn thương mắt chỉ được phát hiện khi bé được sinh ra, trong khi chỉ có 50% các bất thường tim có thể được phát hiện qua siêu âm lúc thai 5 tháng. Vì vậy, tiêm ngừa rubella lúc chưa mang bầu sẽ giúp mẹ có miễn dịch và không mắc bệnh. Nếu có dự định mang thai, mẹ nên tiêm ngừa rubella trước khi thụ thai từ 1,5-3 tháng.
Viêm gan siêu vi B
Nếu bà bầu đang có vi-rút viêm gan B trong máu thì sẽ lây cho thai nhi. Với bé sơ sinh bị nhiễm viêm gan B từ mẹ, tỷ lệ bé trở bệnh nặng hoặc chuyển thành mãn tính cao hơn, thời gian tiến triển bệnh cũng nhanh hơn người lớn. Bà bầu có viêm gan B còn có thể biến chứng xấu trên gan, gây viêm gan cấp hay tối cấp, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Viêm gan B được tiêm ngừa 3 mũi trong khoảng 6 tháng, 5 năm sau tiêm thêm các mũi hỗ trợ.
Cúm
Nước ta đã có thuốc ngừa cúm nhưng do chủng vi-rút gây cúm thường xuyên thay đổi hằng năm và trong các vùng miền khác nhau nên dù có tiêm ngừa, bạn vẫn có thể mắc một bệnh cúm do vi-rút nào đó. Tuy nhiên, nếu đã tiêm ngừa khi mẹ bị cúm, tỷ lệ dị tật ở thai nhi ít, các loại dị tật cũng không điển hình.
ThS. BS Đặng Lê Dung Hạnh
Trưởng khoa Khám bệnh A, BV Hùng Vương, TP.HCM