Để giúp cha mẹ “hệ thống hóa” những điều cơ bản về căn bệnh này và phòng bệnh tốt cho con, cho bản thân và gia đình, chúng ta cùng tham khảo các câu hỏi thường gặp sau đây nhé:
SXH là bệnh gì?
SXH là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh có khả năng gây dịch do một loại vi-rút thuộc họ Flaviviridae. Vi-rút được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi vằn Aedes Aegypti có mang vi-rút Dengue. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng cao điểm là vào mùa mưa.
Tại sao bé dễ mắc bệnh SXH?
Bất kỳ người nào cũng có thể bị muỗi Aedes Aegypti mang vi-rút Dengue đốt và mắc bệnh. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả bởi hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, chưa có sức đề kháng.
Triệu chứng của bệnh SXH là gì?
Biểu hiện rõ nhất của bệnh SXH là sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, kèm theo một trong các dấu hiệu: nổi chấm đỏ ở da, bầm da, nôn ói có máu, tiêu phân đen, chảy máu mũi, máu răng, xuất huyết âm đạo bất thường ở bé gái tuổi dậy thì… Ngoài ra, các triệu chứng có thể kèm theo như đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau quanh hốc mắt, đau bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn. Khi bệnh nặng, có thể sốc, xuất huyết nặng hoặc tổn thương các cơ quan như gan, não, tim, phổi… Giai đoạn nặng của bệnh thường xảy ra vào ngày thứ 4-5 khi sốt bắt đầu giảm. Khi hồi phục, thường có phát ban ngoài da.
Bé nhũ nhi có bị SXH hay không? Biểu hiện có gì khác bé lớn?
Bé sơ sinh, nhũ nhi vẫn có thể bị SXH. Tuy nhiên, ở những bé này, bệnh nguy hiểm hơn do chẩn đoán, điều trị khó hơn so với bé lớn, bởi dấu hiệu bệnh không điển hình. Bé thường chỉ sốt đơn thuần, một số trường hợp có biểu hiện xuất huyết ở da và niêm mạc, bé thường lười ăn hoặc ít bú.
Bé bị SXH cần ăn uống như thế nào?
Đối với bé bị SXH, các thức ăn lỏng, mềm, nhiều nước như cháo thịt, súp, canh, sữa, nước trái cây… là thích hợp. Bữa ăn cần được chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Phân biệt SXH với bệnh nhiễm siêu vi thông thường và sốt phát ban như thế nào?
Rất khó để phân biệt bệnh SXH với bệnh nhiễm siêu vi thông thường hay sốt phát ban trong giai đoạn sớm. Khi trở nặng, SXH sẽ có những biểu hiện như chảy máu cam, chấm đỏ ngoài da, nôn ói, đau bụng… Vì vậy, khi sốt từ hai ngày trở lên, bé cần được khám, làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh.
Khi nào bé phải nhập viện?
Khoảng 70% các trường hợp SXH là nhẹ, có thể theo dõi tại nhà. Bệnh nhân chỉ nhập viện khi:
- Có 1 trong các dấu hiệu trở nặng: ói mửa nhiều, đau bụng, bứt rứt quấy khóc, tay chân lạnh, vã mồ hôi, chảy máu bất thường.
- Xét nghiệm cho thấy diễn tiến xấu hơn.
- Bệnh nhân ở xa, không có điều kiện chăm sóc theo dõi.
Khi nào thì biết bệnh hết nguy hiểm và hồi phục?
SXH thường hồi phục từ ngày thứ 6-7 của bệnh trở đi với các biểu hiện như bé thấy khỏe hơn, thèm ăn, linh hoạt và chơi trở lại nhiều hơn, tiểu nhiều, hết sốt trên 48 giờ mà không cần dùng thuốc hạ sốt. Khi hồi phục, bé thường có dấu hiệu phát ban ngoài da kèm theo hơi ngứa và được gọi là ban hồi phục.
Cần phải xử trí như thế nào khi bé bị ngứa và phát ban ngoài da trong giai đoạn hồi phục SXH?
Giai đoạn hồi phục, bé có thể ngứa và phát ban ngoài da rồi tự khỏi. Có thể chườm ấm và tắm rửa cho bé hằng ngày.
Bé bị SXH rồi có thể bị mắc lại không?
Trong cuộc đời mỗi người có thể bị SXH 4 lần. Bởi tác nhân gây bệnh SXH là vi-rút Dengue, có bốn týp 1, 2, 3, 4. Khi bị SXH lần đầu, bé thường chỉ bị nhiễm 1 týp, và sẽ chỉ có kháng thể để ngừa được týp đó, 3 týp còn lại vẫn không ngừa được. Nếu lần sau bé bị nhiễm 1 týp vi-rút Dengue khác thì vẫn có thể bị SXH, và có thể nặng hơn lần trước.
Có thể phòng bệnh SXH không? Đã có vắc-xin phòng bệnh chưa?
Hiện nay, bệnh SXH chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh, do đó, cách phòng bệnh duy nhất là không để bị muỗi đốt.
Muỗi truyền bệnh SXH có đặc điểm gì?
Muỗi vằn có đặc điểm là nhỏ (khoảng 5mm), màu đen, có sọc trắng ở thân và chân, sống ở trong và xung quanh nhà, nơi kín gió, đẻ trứng trong vật chứa nước sạch như lọ hoa, hồ cá, lu vại... Muỗi vằn thường đốt người vào ban ngày và sẩm tối.
Tại Việt Nam, bệnh SXH thường diễn ra ở khu vực nào?
Muỗi vằn truyền bệnh SXH lưu hành chủ yếu ở vùng khí hậu nóng ẩm. Miền Nam nước ta gần xích đạo, khí hậu nóng ẩm quanh năm, đồng thời có nhiều kênh rạch nên muỗi vằn phát triển quanh năm. Tuy nhiên, do sự biến đổi của khí hậu, môi trường, tình trạng miễn dịch của ký chủ, sự thay đổi về mật độ dân cư, sự phát triển về giao thông… khiến cho sự phân bố của muỗi vằn ngày càng lan rộng. Chính vì vậy, SXH hiện nay cũng xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
BS.CK1 Nguyễn Thanh Trường
Trưởng khoa Nhiễm D – BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM