Hiểu rõ về sức đề kháng và khả năng miễn dịch của bé

 8/14/2020 |  Admin   396 lượt xem

(nuoitre.com) - Ngay từ khi sinh ra, cơ thể non nớt của bé đã có hệ miễn dịch. Thế nhưng, chúng chỉ thực sự làm được việc và phát huy tối đa chức năng bảo vệ cơ thể sau khi trải qua quá trình hình thành, hoàn thiện.

Miễn dịch – “Hàng rào bảo vệ” cơ thể bé…

 

Hiểu rõ về sức đề kháng và khả năng miễn dịch của bé
Miễn dịch là một khả năng tự nhiên của cơ thể con người, giúp phát hiện và ngăn chặn những yếu tố trong và ngoài cơ thể sẵn sàng tấn công con người bất cứ khi nào. Hệ miễn dịch được xem  như “hàng rào bảo vệ” chống lại các mầm bệnh như vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng, nấm…  Trong đó, “vũ khí tối ưu” của hàng phòng vệ này để chống lại các vật lạ (kháng nguyên), được gọi là kháng thể.

Ở cơ thể con người đáp ứng miễn dịch có thể tạm chia ra làm hai loại có liên quan với nhau rất chặt chẽ: miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được. Miễn dịch tự nhiên (miễn dịch thụ động) là khả năng tự bảo vệ sẵn có, mang tính di truyền và có tính chất bảo vệ cơ thể nói chung chứ không chuyên bảo vệ, chống lại một mầm bệnh cụ thể nào (nên còn được gọi là miễn dịch không đặc hiệu). Miễn dịch thu được là khả năng miễn dịch xuất hiện khi cơ thể đã tiếp xúc với kháng nguyên (được đưa vào chủ động như khi tiêm chủng) và thường có tính bảo vệ chuyên biệt với một mầm bệnh cụ thể nào đó (nên gọi là miễn dịch đặc hiệu).

…. Nhưng còn non yếu!

Hệ miễn dịch, các chất miễn dịch chính có tác dụng bảo vệ cơ thể (IgM, IgG, IgA) của bé bắt đầu có từ trong bụng mẹ (nhưng rất ít và không hiệu quả). Trong ba tháng cuối của thai kỳ, các kháng thể từ mẹ được truyền sang con qua nhau thai, có tác dụng bảo vệ bé tạm thời sau khi sinh. Tuy nhiên, ở bé sơ sinh, nồng độ các kháng thể này thấp, khiến các bé dễ bị nhiễm trùng nặng (nhiễm trùng máu, viêm màng não) và khả năng tử vong cao.

Sau khi sinh, hệ miễn dịch của bé chưa phát triển đầy đủ như của người lớn. Trong giai đoạn trước 6 tháng tuổi, bé được “thừa kế” các chất miễn dịch từ mẹ cho qua nhau thai (IgG) và qua sữa mẹ (IgA). Nhờ vậy, bé có thể được bảo vệ, tránh một số bệnh truyền nhiễm như sởi, bạch hầu, thủy đậu, thương hàn,... trong một thời gian. Thế nhưng, các kháng thể này chỉ tồn tại trong vài tháng đầu sau sinh và suy giảm nhanh chóng sau đó.
Hiểu rõ về sức đề kháng và khả năng miễn dịch của bé

 


Sau 6 tháng tuổi, các chất miễn dịch mẹ cho đã cạn, nhưng khả năng sản xuất miễn dịch của bé chưa đầy đủ, trong khi bé đã tiếp xúc với môi trường ngoài nhiều hơn nên khả năng nhiễm trùng cũng tăng cao. Vì vậy, bé rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng mà hàng đầu là nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa, nguyên nhân chính làm bé mắc bệnh, nhập viện, tử vong…

Từ 1 đến 6 tuổi, hệ thống miễn dịch của bé hoạt động tốt hơn, nhờ vậy, các bệnh nhiễm trùng giảm, nhất là sau 3 tuổi. Tuy nhiên, khi càng lớn, bé càng tiếp xúc rộng rãi với môi trường nên dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm nếu không được tiêm chủng đầy đủ từ trước. Đặc biệt, đối với các bệnh mới xuất hiện như bệnh tay chân miệng, bé càng dễ nhiễm bệnh và càng dễ bị bệnh nặng do chưa có sẵn kháng thể chống các mầm bệnh này.

Tăng cường đề kháng để cơ thể khỏe mạnh

Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp đẩy lùi sự xâm nhập của các tác nhân gây hại, giúp bé tránh được nhiều loại bệnh và phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, khi khả năng miễn dịch, được ví như đội quân phòng vệ của cơ thể bé, chưa hoàn thiện và còn non yếu, cha mẹ cần phải tăng cường sức đề kháng cho bé bằng cách kết hợp nhiều “kế sách hợp lý”. Trong đó, điều chú ý đặc biệt là việc cung cấp đủ nhu cầu và cân bằng dinh dưỡng hợp lý cho bé (trong 6 tháng đầu đời, bé cần được bú mẹ hoàn toàn); tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phòng chống bệnh nhiễm khuẩn, tạo môi trường sống sạch sẽ, hạn chế khói bụi, khói thuốc lá…; luyện tập các môn thể thao để tăng cường sức khỏe... Việc phối hợp đúng và nhịp nhàng các yếu tố này sẽ giúp nâng cao, hoàn thiện hệ thống miễn dịch, nội tiết tố của cơ thể bé.

Thầy thuốc ưu tú, Th.S BS Trần Anh Tuấn
Trưởng khoa hô hấp – BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM)

liên quan

Dinh dưỡng nâng cao miễn dịch cho bé  402

 8/14/2020  | 

Dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ miễn dịch. Chế độ ăn hợp lý không chỉ giúp bé phát triển mà còn mang lại sức đề kháng tốt, có thể chống lại một số căn bệnh thường gặp như tiêu chảy, nhiễm trùng da, viêm đường hô hấp...

Xem chi tiết 

Tạo kháng thể thụ động cho bé bằng việc tiêm phòng và không tự ý dùng kháng sinh  392

 8/14/2020  | 

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh. Chỉ cần thời tiết thay đổi là cơ thể bé ít nhiều có ảnh hưởng. Để chống chọi với những thay đổi đó, bé cần có một sức đề kháng tốt. Một trong những biện pháp nhằm tăng sức đề kháng cho bé là tiêm chủng. Ngoài ra, việc không tự ý dùng kháng sinh cũng giúp bé tự tạo kháng thể.

Xem chi tiết 

Vận động tăng cường miễn dịch cho bé  375

 8/14/2020  | 

Hướng dẫn bé tập luyện hợp lý là cách hiệu quả để bảo vệ bé trước sự tấn công của các loại vi trùng, vi khuẩn, giúp bé khỏe mạnh, lớn nhanh.

Xem chi tiết 
Like Fanpage Để Ủng Hộ Chúng Tôi Duy Trì Website