Từ những năm 1980, chính phủ Nhật đưa ra thêm quy định về thực phẩm chức năng – là những thực phẩm ngoài chức năng sinh lý cơ bản bình thường còn có thêm tác dụng hỗ trợ cho sức khỏe hoặc giảm thiểu nguy cơ mắc một vài loại bệnh tật nào đó.
Thực phẩm chức năng bao gồm các nhóm:
- Thức ăn thông thường như các loại hạt ngũ cốc nguyên cám, hạt giàu béo không no, trái cây, rau củ…
- Thức ăn được chế biến như sữa chua, ngũ cốc và nước cam.
- Thực phẩm điều trị (có thể xem như dược phẩm) như nhóm thức ăn bệnh lý và thực phẩm, nước giải khát… chuyên biệt cho một số bệnh lý.
- Thực phẩm đặc biệt cho một nhóm đặc biệt như sữa công thức cho bé hay các thực phẩm giảm tính dị ứng.
Trong cuộc sống hiện nay, các thực phẩm chức năng xuất hiện khá nhiều, với mục đích chăm sóc sức khỏe tốt hơn nhưng cũng do tác động quảng cáo của nhà sản xuất nhằm bán được nhiều hàng hóa hơn. Các thực phẩm thông thường được chọn hay bổ sung thêm những thành phần có tác động hỗ trợ sức khỏe như thêm chất xơ, vitamin, canxi, magiê, axit béo không no, axit amin thiết yếu… và được thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng. Những thực phẩm chức năng này có tác động tốt đến sức khỏe nhưng đôi khi bị quảng cáo thổi phồng quá mức về tác dụng thực sự và hiệu quả của nó, và cũng từ đó, chi phí để mua và sử dụng cũng tăng lên gấp nhiều lần.
Khi lựa chọn sử dụng thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung, hãy tỉnh táo vì đôi khi rất tốn kém và gây ra thói quen ăn uống không lành mạnh. Tốt nhất là hãy chọn những thức ăn có lợi trong tự nhiên, xây dựng bữa ăn đa dạng và cân đối. Đây biện pháp tối ưu cho sức khỏe của bản thân và gia đình, cũng như tiết kiệm được những chi phí không cần thiết.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, bổ sung thực phẩm chức năng cho bé thật sự cần thiết. Đó là những bé có bệnh lý cần những chế độ ăn đặc biệt, bổ sung dưỡng chất cần thiết mà trong thức ăn tự nhiên khó đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối. Hay các bé đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, nếu không có sữa mẹ thì nên bổ sung sữa công thức vì thành phần dinh dưỡng tối ưu hơn sữa tươi đơn thuần. Những bé mới lành bệnh, hoạt động nhiều, chơi thể thao, trong giai đoạn lớn nhanh, thời điểm học hành thi cử căng thẳng… cũng cần bổ sung thêm một số vitamin và khoáng chất. Đây là những dưỡng chất bổ sung thêm, giúp bé khỏe hơn chứ không nên thay thế hoàn toàn bữa ăn hằng ngày. Tùy điều kiện kinh tế, cha mẹ nên xây dựng bữa ăn dinh dưỡng hằng ngày đầy đủ, đảm bảo các dưỡng chất cơ bản và tăng cường thực phẩm có lợi cho sức khỏe, xây dựng thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, có lợi cho sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Ngoài ra, sau khi cân nhắc, tìm ra phần dinh dưỡng đang bị thiếu hụt từ bữa ăn hằng ngày và xem xét nhu cầu trong những giai đoạn đặc biệt, lúc đó mới thêm các thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thuốc bổ... thích hợp.
BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hậu
Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi đồng 2, TP.HCM