Vàng da sinh lý: khoảng hơn một nửa bé mới sinh vàng da sinh lý.
- Vàng da xuất hiện luôn từ ngày thứ 2 cho đến ngày thứ 10, ở bé sinh non, vàng da có thể kéo dài hơn.
- Nước tiểu của bé trong, phân vàng, bú tốt, không sốt, không nôn, ăn ngủ bình thường.
Vàng da bệnh lý: do rất nhiều nguyên nhân, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chất gây vàng da sẽ ngấm vào não của bé gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho bé như chậm khôn, ngu đần, liệt…
Tại nhà, mẹ rất khó phát hiện giữa vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Do vậy, khi bé mới sinh bị vàng da, mẹ cần chú ý phát hiện một trong các dấu hiệu nguy hiểm sau đây, nếu có cần đưa bé đến ngay các cơ sở y tế:
- Trong gia đình có người bị bệnh tan máu (vàng da).
- Vàng da xuất hiện ngay ngày đầu sau sinh.
- Bé nôn, li bì.
- Bé bú kém, sốt.
- Bé khóc thét từng cơn.
- Bé đi tiểu nước vàng đậm.
- Bé đi ngoài phân bạc màu.
Phát hiện vàng da ở bé mới sinh:
- Hằng ngày, mẹ phải bế bé ra nơi có đủ ánh sáng mặt trời để quan sát da bé.
- Cách phát hiện: Vì bình thường da bé mới sinh có màu hồng hoặc đỏ, do đó rất khó phát hiện vàng da. Mẹ nên dùng ngón tay trỏ ấn vào da bé, quan sát ngay chỗ ấn sau đó bỏ ngón tay ra xem da bé có bị vàng không? (nên ấn từ trên xuống dưới: vùng trán, mặt, ngực, bụng, chân tay vì vàng da xuất hiện dần từ mặt cho đến chân).
Phòng vàng da nặng hơn bằng cách:
- Cho bé bú càng sớm càng tốt ngay sau sinh. Cho bé bú theo nhu cầu của bé. Đặc biệt là sữa non có tác dụng nhuận tràng nhẹ làm cho bé đi ngoài phân xu sớm để đào thải chất vàng da ra ngoài.
- Khi bé mới sinh bị vàng da cần chú ý phát hiện một trong các dấu hiệu nguy hiểm kể trên để đưa bé đến cơ sở y tế chữa trị kịp thời.
- Ánh sáng có thể giúp điều trị vàng da sớm: có thể đặt bé nằm ngủ, không mặc quần áo ở chỗ có ánh sáng mặt trời, chú ý không để da bé quá nóng hoặc quá lạnh vì gây bỏng da bé.
(BSGĐ1 – Viện nhi TW)