Nguyên nhân:
- Do nấm candida-albican sống ký sinh trong miệng hoặc có thể lây từ người mẹ (trong lúc đẻ qua đường sinh dục).
- Do khi cho bú không được vệ sinh.
- Hoặc lây từ người chăm sóc bé, chai sữa, đầu núm vú cao su…
Biểu hiện tưa miệng:
Lúc đầu bề mặt lưỡi bong vảy, lưỡi đỏ, nổi gai, sau đó xuất hiện các chấm trắng. Các chấm trắng này có thể ở lưỡi, mặt trong miệng, ở lợi và có thể tạo thành từng đám màu vàng kem hoặc vàng xám. Nếu nấm mọc dày và không xử trí tốt thì nấm miệng sẽ lan xuống họng, phổi, dạ dày, ruột gây viêm phổi, ỉa chảy, nhiễm trùng máu.
Chữa trị tưa miệng
Mẹ nên:
- Rửa sạch tay, dùng một mảnh vải sạch, mềm, quấn vào quanh ngón tay và nhúng vào nước muối loãng để đánh tưa và sau đó là lau sạch miệng cho bé. Lau dần từ ngoài vào trong: môi, hai bên mặt trong của má, vòm miệng, lưỡi, lau nhẹ nhàng, lớp màng tưa sẽ bong ra. Không nên lau hết ngay sẽ gây đau cho bé và gây chảy máu. Có thể lau 2-3 lần mỗi ngày, lau đến khi hết tưa thì thôi.
- Sau khi lau, bôi vào vết loét dung dịch tím gentian pha loãng 0.25% hoặc xanh methylen 1% hoặc glyxerinborat 3%.
- Theo kinh nghiệm dân gian còn có thể đánh tưa miệng bằng nước lá rau ngót.
- Chú ý: bé bị tưa miệng có thể bú kém, do vậy cần cho bé ăn thêm sữa mẹ bằng cách đổ thìa.
- Nếu bé bị sốt, bỏ bú, thở nhanh hơn bình thường hoặc ỉa cháy, tưa miệng không đỡ, cần đưa bé đến cơ sở y tế để khám và chữa trị.
Phòng tưa miệng
- Sau mỗi bữa ăn hoặc sau khi bé trớ cần phải tráng miệng bằng nước đun sôi để nguội hoặc lau miệng cho bé.
- Trước khi cho bé bú, bà mẹ phải rửa tay, lau sạch đầu vú và vắt bỏ vài giọt sữa đầu.
- Tốt nhất là không cho bé bú chai, trong trường hợp bắt buộc thì phải cần cọ rửa chai, núm vú cao su cẩn thận và luộc sôi.
- Cần quan sát miệng và lưỡi bé hằng ngày, khi thấy có biểu hiện chấm trắng thì cần phải đánh tưa cho bé ngay, không để tưa lan rộng.
(BSGĐ1 – Viện nhi TW)