Từ 1 tuổi trở lên, để bé phát triển tốt thì ngoài việc được cung cấp đầy đủ nhu cầu, mẹ nên để ý đến cơ thể của bé. Ở độ tuổi này, chức năng tiêu hóa, hấp thụ và chuyển hóa của bé còn yếu, khả năng dự trữ ít (nên mau đói), dễ bị dị ứng (do kém thích nghi với thức ăn lạ) và sức đề kháng còn yếu (nên dễ bệnh). Vì vậy, bé cần được học cách ăn nếp uống một cách khoa học, hợp lý.
Mẹ cần chú ý:
1. Vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh nhiễm khuẩn và bệnh đường tiêu hóa cho bé (ăn thức ăn tươi, vừa chế biến xong, không ăn mặn,…).
2. Tỷ lệ khẩu phần đầy đủ, cân đối.
3. Tùy từng bé, tùy từng độ tuổi mà làm thức ăn thích hợp (chế biến riêng cho bé đến 3 tuổi, từ 3 tuổi trở lên có thể ăn chung với gia đình nhưng cần bổ sung thêm bữa phụ…).
4. Các phản xạ ăn uống chỉ được hình thành khi bé trên 1 tuổi, vì vậy, chúng chưa được củng cố chắc chắn, dẫn đến nề nấp ăn uống dễ bị phá vỡ, dễ gây rối loạn tiêu hóa. Do đó, mẹ cần tập cho bé ăn uống đúng cách:
- Ăn đúng bữa, ăn đủ, không ăn vặt. Chú ý cho bé ăn đều đặn hằng ngày, tránh “no dồn đói góp” làm cho cơ thể bé không hấp thụ được, khiến bé thêm mệt.
- Không để bé bị đói thường xuyên, nếu bé bỏ bữa nào, phải có thức ăn thay thế bù ngày.
5. Tạo sự ngon miệng cho bé:
- Mọi thức ăn lạ (mới cho bé ăn lần đầu) phải cho bé nếm thử, nếu không dị ứng và bé chịu ăn thì sẽ cho ăn tiếp và tăng dần vào những bữa ăn sau.
- Cho bé ăn đúng bữa, mỗi bữa ăn cách nhau khoảng 3-4 giờ. Không cho bé ăn vặt trong khoảng thời gian đó.
- Không chê bột, cháo là dở, là không ngon trước mặt bé mà phải nói là ngon để khuyến khích bé ăn.
- Trong bữa ăn, không la mắng, dọa nạt hay ép bé ăn một cách quá đáng làm bé bị chán ăn tâm lý sau này.
- Không tập cho bé thói quen đòi ăn phần của người khác để bé ăn ngon phần của mình và nếu được người khác cho ăn thêm, bé sẽ thích thú hơn.
BS.CK1 Nguyễn Thùy Trang
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM