Khối hình
Bạn có thể mua các hình khối nhiều màu, đủ hình dáng, kích cỡ bằng gỗ hay nhựa an toàn để bé chơi bằng cách xếp chồng lên. Với khối hình đơn giản, bé có thể xếp thành những mô hình ngộ nghĩnh. Có thể chúng không có hình thù hay ý nghĩa nhất định, nhưng việc đó không làm giảm đi hứng thú của bé. Khi bé có thể nhận biết được các mẫu hình cho sẵn, bạn có thể cho bé xem hướng dẫn để bé lắp ghép theo.
Bạn nên cho bé xếp từ mô hình dễ đến khó nhằm kích thích tốt nhất hứng thú và sáng tạo của bé. Khi bé lắp ráp xong một mô hình nào đó, bạn hãy hỏi bé xem đây là gì và vì sao bé lại ghép như vậy.
Giấy
Việc xé và dán giấy thành những hình khối khác nhau giúp bé luyện đôi tay thêm khéo léo, kết hợp màu sắc thêm hài hòa mà còn giúp bé luyện trí nhớ rất tốt. Trò chơi này còn giúp khơi gợi óc sáng tạo ở bé, bé có thể thỏa thích tạo ra những bức hình giấy đẹp mắt, đúng với lứa tuổi của bé.
Để bé làm quen với trò chơi này, bạn hãy thực hành trước tiên rồi cho bé học theo. Mới đầu, bạn có thể vẽ sẵn hình trên giấy, rồi hướng dẫn bé xé theo bức hình đã được vẽ. Khi bé quen dần, bạn hãy cứ để bé tự tạo bức hình mà bé muốn.
Truyện tranh
Trước khi bắt đầu đọc một câu chuyện nào đó cho bé, bạn có thể cho bé xem hình rồi để bé tự biến tấu ra một câu chuyện khác thú vị. Bạn sẽ phải ngạc nhiên trước khả năng sáng tác của bé, bé có thể không đọc được, nhưng có thể nói “làu làu” tiết tấu của truyện.
Bên cạnh việc cho bé sáng tạo cốt truyện, bạn nên dành thời gian để cùng bé hóa thân thành những nhân vật trong từng câu chuyện. Hãy cho bé đóng giả làm nhân vật bé thích, đừng bắt ép bé theo một câu thoại nhất định, để bé được “hóa thân” thực sự. Với mỗi câu thoại hay hành động của bé, bạn cần phải có một cách ứng biến khéo léo để thêm phần lôi cuốn và không khiến bé nhanh chán.
Cây bút màu
Khi bé có thể cầm nắm chắc một đồ vật gì đó trong tay, bạn hãy sắm cho bé một hộp bút màu và một cuốn vở trắng để bé thoải mái “sáng tác”. Chỉ với những nét nghệch ngoạc ban đầu nhưng cũng giúp bé hứng thú và vui vẻ. Bạn có thể cầm tay, uốn nắn bé theo từng nét vẽ đơn giản.
Đối với bé 2 tuổi trở lên, khi cầm bút chưa thạo mà lại thích vẽ, bạn có thể mua màu nước cho bé. Với dụng cụ này, bé có thể tạo ra những bức tranh độc đáo bằng những ngón tay. Việc thấy các ngón tay mình tạo ra những hình dạng đủ sắc màu trên giấy cũng khiến bé cười sung sướng.
Hộp đất nặn
Với dụng cụ đồ nặn, bé có thể nặn ra bất cứ hình thù nào mà bé thích. Chúng không chỉ giúp bé sáng tạo mà còn giúp bạn nhận ra tài năng nghệ thuật tiềm ẩn của bé. Việc nặn ra được các khối hình, bé sẽ nâng cao nhận thức và rèn luyện trí óc và cách tư duy.
Tuyển tập câu đố
Bạn có thể cho bé tập giải những câu đố để kích thích tư duy của bé. Có thể dùng cách đọc cho bé nghe những câu đố và lời giải, sau đó kiểm tra lại để luyện cho bé trí nhớ tốt.
Bạn có thể tham khảo một số câu đó dành cho bé mầm non:
- Con gì cổ dài, ăn lá trên cao, da lốm đốm sao, sống trên đồng cỏ? (Con hươu cao cổ)
- Con gì nhảy nhót leo trèo, mình đầy lông lá nhăn nheo làm trò? (Con khỉ)
- Con gì có bướu trên lưng, trời nắng cổ khát vẫn băng dặm dài? (Con lạc đà)
- Sừng sững đứng thẳng một mình, đọc lên uốn lưỡi… đố bé chữ gì? (Chữ l)
- Củ gì đo đỏ, con thỏ thích ăn? (Củ cà rốt)
- Cái gì bật sáng trong đêm, giúp cho nhà dưới, nhà trên sáng ngời? (Đèn)
- Cùng ngủ, cùng thức, hai bạn xinh xinh, nhìn rõ mọi thứ nhưng không thấy mình? (Mắt)….
Từ những vật dụng hay món đồ chơi đơn giản bạn chọn, bé có thể trở thành một nhà nghệ thuật, một nghệ sĩ hay một thần đồng trong tương lai.
Theo Khampha.vn