Bé biết nói sớm hay muộn, nói chuẩn hay ngọng, phần lớn đều là ở sự dạy dỗ và uốn nắn của cha mẹ.
Đáp ứng con quá nhanh chóng
“Lỗi” này quả đúng là “yêu con quá hóa hại con”. Khi bé chỉ vào bình sữa và với tay đòi cầm, đòi ăn, ngay lập tức, mẹ lấy về cho bé. Làm như vậy là mẹ đã tước đi cơ hội để bé được nói. Bạn nên khơi gợi cho bé nói ra điều mà bé muốn, bất kể đó là từ “đói”, “sữa” hay “măm măm”. Khi bé nói được điều đó, bạn nên động viên, cổ vũ bé bởi vì đó là một sự tiến bộ. Lúc này, bé sẽ hiểu dùng ngôn ngữ là cách để biểu đạt ý mà bé muốn.
Bật ti vi, ipad, điện thoại cho bé xem suốt ngày
Có một hiện tượng rất thú vị mà bất cứ ai cũng nhận ra, đó là cứ bật ti vi lên thì bé bỗng dưng lại “ngoan” một cách kỳ lạ. Bé ngồi yên, chăm chú theo dõi, bỏ cả chạy nhảy, bỏ cả quấy mẹ và đương nhiên, bé cũng bỏ cả nói chuyện. Nhiều bạn thắc mắc: Bạn nói, ti vi cũng nói, tại sao bé xem ti vi lại chậm nói còn nghe mẹ nói lại nhanh biết nói? Thực ra, việc giao tiếp giữa bé và ti vi là mối quan hệ một chiều: Bé chỉ cần yên lặng nghe, lâu dần, sẽ mất đi ham muốn được nói. Trong khi đó, giao tiếp bạn - bé là mối quan hệ hai chiều: Bé vừa là người nghe, vừa là người nói, cần bày tỏ ý kiến, từ đó sẽ thôi thúc bé nói nhiều hơn. Xem ti vi nhiều cũng khiến bé quên đi giọng bạn và chỉ tập trung vào âm thanh của ti vi. Nếu cho bé xem ti vi, bạn nên cùng ngồi với bé để xem các chương trình như phim hoạt hình, ca nhạc và bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại trong ti vi để giúp bé xây dựng phản xạ ngôn ngữ tốt hơn.
Lười nói chuyện với bé vì nghĩ bé “chẳng hiểu gì”
Giao tiếp với bé đôi khi giống như độc thoại bởi bé chưa nói được, vốn từ còn quá ít nên phản ứng với những câu hỏi của bạn thường bị chậm. Điều này khiến bạn cảm thấy buồn chán và thấy như mình đang làm một việc vô ích. Tuy nhiên, chính việc lười nói chuyện với bé lại là nguyên nhân khiến bé chậm nói. Chỉ cần tin rằng nói chuyện nhiều bé sẽ nhanh biết nói, bạn sẽ có động lực để “tám” với bé nhiều hơn. Đôi khi chỉ một câu nói bâng quơ, phiếm chỉ: “Để mẹ bế con nào” hay “Con yêu bố không?”… cũng có tác dụng lớn với khả năng ngôn ngữ của bé. Dù bé mới bập bẹ, ê a… thì bạn vẫn nên nói chuyện liên tục cùng bé. Khi còn nhỏ, việc bé tăng vốn từ vựng và dần biết nói sẽ thông qua một cách duy nhất là lắng nghe người lớn nói chuyện với nhau.
Nói chuyện với bé bằng ngôn ngữ trẻ con, cố tình nói ngọng, nhả nhớt
Bạn nghĩ rằng chỉ cần dùng ngôn ngữ cho bé nhanh hiểu nhất và tỏ ra thích thú là được chứ không cần thiết là phải nói đúng và nói chính xác? Ví dụ, bạn thích dùng “ngoại ngữ của bé” như: “tị ơi tị” (chị ơi chị), “ăn tơm” (cơm), “tún ton” (cún con) của mẹ… và cho rằng những từ ngữ sinh động này rất thú vị, có thể khiến bé hứng thú hơn. Với bé chưa biết nói, bé hay thường hét lên hoặc kêu “a..a…” rất to. Những lúc như vậy, bạn lại cũng hét lên, cũng “a…a..”, cũng lặp lại những âm thanh y hệt của bé để “giao tiếp” với bé? Đó là sai lầm, bởi lâu dần, chính thói quen này của bạn sẽ khiến bé mất đi khả năng tư duy về “lời nói đúng và đầy đủ”.
Không cho bé ra ngoài chơi và gặp gỡ bạn bè
Có một thực tế ai cũng phải thừa nhận, đó là bé đi học sẽ rất nhanh biết nói. Bé được đặt trong một môi trường có nhiều bạn bè, tự khắc sẽ nảy sinh nhu cầu muốn giao tiếp, muốn nói chuyện, muốn bật thành lời. Bạn nên chú ý cho bé đi chơi nhiều hơn, gặp gỡ nhiều bạn nhỏ cùng tuổi để giúp bé nhanh biết nói.
Theo lamsao.com