Theo hiệp hội nha khoa Mỹ, hàm răng trẻ tuổi teen có một số đặc điểm:
1. Nguy cơ sâu răng cao.
2. Nguy cơ sang chấn răng và bệnh quanh răng.
3. Có xu hướng dùng các thức ăn không tốt cho hàm răng.
4. Độ tuổi bắt đầu có nhận thức về vẻ đẹp: có yêu cầu về nắn chỉnh răng và tẩy trắng răng, răng thẩm mỹ…
5. Bắt đầu biết dùng bia rượu, thuốc lá.
6. Có nhu cầu về quan hệ xã hội và tâm lý đặc biệt.
Vì vậy, cha mẹ và bản thân trẻ cần lưu ý chăm sóc răng miệng cho trẻ:
1. Nên có một chế độ chăm sóc răng đặc biệt: Cần duy trì thói quen đánh răng đúng cách, đều đặn, sử dụng các chế phẩm fluor như kem đánh răng có fluor, nước súc miệng có fluor, hoặc sử dụng các loại gel fluor nồng độ cao đối với trẻ có nguy cơ sâu răng cao. Trẻ cần được khám tư vấn nha khoa 6 tháng/lần, nếu cần thiết, có thể hàn bít hố rãnh theo yêu cầu của nha sĩ.
2. Độ tuổi dễ gặp các sang chấn: Nên được hướng dẫn đeo các phương tiện bảo hộ đúng tiêu chuẩn khi tham gia giao thông và chơi thể thao. Độ tuổi teen cũng là độ tuổi có thay đổi về hoóc-môn, vì vậy, trẻ có nguy cơ cao bị các bệnh quanh răng. Trẻ cần được khám và phát hiện kịp thời, đồng thời phải duy trì chế độ đánh răng đúng cách.
3. Trẻ cần được biết đến tác hại của rượu và thuốc lá đối với sức khỏe răng miệng: Thuốc lá sẽ gây co mạch và giảm tưới máu trong môi trường miệng, dễ làm trầm trọng thêm các bệnh lý của tổ chức niêm mạc miệng như viêm quanh răng, viêm loét niêm mạc... Rượu cũng là tác nhân có thể gây kích ứng niêm mạc miệng, dẫn đến các tổn thương niêm mạc miệng. Thuốc lá và rượu sẽ làm tăng khả năng mắc ung thư vùng miệng mặt.
4. Độ tuổi này cũng cần được tìm hiểu về tác hại của một số loại thức ăn không tốt cho răng miệng để tránh ăn quá nhiều các thức ăn có nhiều đường, quá nhiều tinh bột, các thức ăn dính, các loại nước có ga.
Ngoài ra, cần biết đến một số bệnh lý răng miệng đặc biệt khác trong độ tuổi này:
1. Lệch lạc răng: đây là giai đoạn lý tưởng để bắt đầu thực hiện nắn chỉnh răng vì hàm răng đã mọc đủ nhưng xương hàm vẫn còn xốp, giúp cho việc di chuyển răng được thuận lợi, bên cạnh đó, khả năng thích nghi cao ở trẻ cũng giúp cho việc điều trị dễ thành công hơn.
2. Các bệnh lý về khớp cắn cũng bắt đầu xuất hiện như nghiến răng khi ngủ, đau khớp thái dương hàm... cần được phát hiện và điều trị sớm.
3. Tai biến mọc răng khôn cũng có thể gặp trong giai đoạn này và cần được khám và xử lý sớm.
TS.BS Phạm Như Hải
Trưởng khoa Răng miệng, BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba