Từ khi còn rất nhỏ, một số trẻ đã được “rèn giũa” với những hình phạt, lời trách móc của giáo viên, cha mẹ mỗi khi chưa ngoan, chưa giỏi. Trẻ sống chìm ngập trong những lời chê bai, cười nhạo của người xung quanh. Bị điểm kém, có thể trẻ sẽ bị lêu lêu giữa lớp với những lời cười cợt, chế nhạo. Về nhà, trẻ tiếp tục bị cha mẹ áp dụng các hình phạt như đánh, quỳ… kèm theo những lời thóa mạ như ngu, đần, dốt.
Vui chơi, ăn uống, học tập hay bất cứ công việc gì, nếu trẻ làm không đúng ý người lớn thì y như rằng sẽ bị quát nạt, chê bai đủ bề. Thậm chí, chưa làm trẻ đã bị chê.
Nhiều cha mẹ giáo dục trẻ bằng những lời chê vì nghĩ chê trẻ mới tiến bộ. Nhưng sau đó, thay vì góp ý giúp trẻ biết chỗ chưa đúng để khắc phục, cha mẹ chọn cách nhanh gọn nhất là… làm thay trẻ. Dần dần, cha mẹ tạo lên một thế hệ “gà công nghiệp”. Khi sợ bị chê, bị phạt, không được người khác tin tưởng, trẻ rất sợ rủi ro, sợ trách nhiệm. Đó là con đường ngắn nhất giúp trẻ có lối sống thụ động, không dám sáng tạo, thể hiện mình.
Với những cha mẹ được thừa hưởng nền giáo dục tiên tiến thì họ đặt niềm tin ở con trẻ từ rất sớm. Kể cả khi trẻ hoàn thành mọi việc rất tệ thì việc đầu tiên của cha mẹ là khen ngợi nỗ lực của con.
Có lẽ, không tiếc lời khen con và sau đó chỉ ra điểm chưa đúng, còn thiếu với sự góp ý chân thành. Thế nên, nhiều trẻ không sợ sai, dám dấn thân, dám sáng tạo và dám chịu trách nhiệm. Và hơn hết, trẻ em có động lực để cố gắng vì luôn được người khác tin tưởng vào mình.
Minh Thi