Theo các chuyên gia tâm lý tuổi học đường, ở tuổi nào cũng thế, đặc biệt từ khoảng 10 tuổi trở lên, bạn bè rất quan trọng. Lần đầu tiên trong đời, chúng ta sẽ thấy có loại người không phải cha mẹ, anh em, bà con và thầy cô giáo. Đó là bạn. Tình bạn rất quan trọng, nó mang đến sự tiện nghi ấm áp trong quan hệ, nỗi vui làm chung hay học chung cái gì đó. Con gái thì nói: “Cô bé ấy giống mình lắm”, con trai thì cho là “mình có thể tin cậy tên này, coi bộ hắn là bạn chí cốt của mình rồi!”
Tình bạn là hành trang tình cảm quan trọng nhất trong tuổi học trò. Có thể nói không có ai trải qua suốt thời kỳ dài này mà lại không có bạn. Một nhà tâm lý học nói “Trong đám đông hỗn độn nhiều loại người khác nhau ở học đường thì bạn thân chính là cái “neo tàu” vững vàng khiến trẻ thấy tự tin hơn”.
Các nhà giáo dục nói cha mẹ nên làm hơn là nên nói về tình bạn để nêu gương cho con cái. Vả lại, chúng luôn theo dõi quan sát người lớn, xem họ có lối hành xử với bạn thân ra sao. Vì thế, nếu cha mẹ đối xử với bạn thân một cách tốt đẹp, chắc chắn chuyện này sẽ ảnh hưởng đến con cái. Chúng sẽ bắt chước, chuyện đó là không tránh được. Ví dụ khi trẻ thấy bạn an ủi một người bạn đang gặp chuyện buồn tận tình ra sao, hay thấy bạn sắn tay áo giúp bạn sửa lại cái xe đạp đến nơi đến chốn như thế nào, nó sẽ làm y hệt bạn nếu có dịp.
Nghệ thuật làm cha mẹ khi con cái đến tuổi thành niên khó nhất là thái độ của chúng ta trong việc đánh bè đánh bạn của con cái. Nếu ta “rà sát’ quá, chúng sẽ bực bội, nếu ta hoàn toàn buông lỏng, chúng sẽ làm bậy ngay! Con cái vẫn ngầm biết ơn nếu chúng biết chúng ta vẫn hằng quan tâm săn sóc chúng, ngay cả trên bình diện chọn bạn mà chơi.
Khi con còn nhỏ, bạn chỉ là bạn để chơi đùa. Nhưng khi chúng bắt đầu bước vào lớp 6 trở lên, các nhà giáo dục thường khuyên chúng ta chủ động can thiệp một cách kín đáo để hướng dẫn con cái. Hãy chỉ dẫn cho con biết cách nhận dạng đâu là bạn tốt, đâu là bạn xấu. Bạn tốt sẽ suy nghĩ chung và chơi chung với con, nghĩ ra các trò chơi và các hoạt động, cùng cười với con, luôn liên lạc tiếp xúc, đặc biệt khi thấy bạn khác bị khó khăn, tỏ ra nhạy cảm và ân cần, hay chăm sóc con, hay bảo vệ con. Bạn xấu là hay bắt nạt con, trêu ghẹo làm con đau khổ, có thái độ thường xuyên gây hấn, bắt nạt một bạn khác yếu đuối hơn, sử dụng ngôn ngữ “có mùi” và hành vi xấu với bạn, khoe khoan đồ chơi nhưng không cho ai đụng tới.
Giang Cẩm