Cha mẹ cần lưu ý tránh quát mắng to tiếng hay đánh đập con để tránh dẫn đến những hành vi bồng bột, dại dột, hủy hoại bản thân của con.
"Tụt dốc" vì bị chê bai
Vốn học giỏi, tính tình hoạt bát, song gần đây, Hoa trở nên ít nói và ngại giao tiếp. Ngoài những giờ học trên lớp, cô bé chỉ nhốt mình trong phòng, không chịu nói chuyện với ai. Đến khi thấy con gái có dấu hiệu bị trầm cảm, mẹ của Hoa mới hoảng hốt đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý.
Tại trung tâm tư vấn, khi chuyên viên tâm lý nhẹ nhàng hỏi han, Hoa mới chịu bộc bạch những khúc mắc trong lòng, với ánh mặt rụt rè, kèm theo lời dặn dò: “Cô phải hứa đừng nói lại cho ba mẹ con nghe nha!”.
Hoa cho biết, em là con út trong gia đình có hai chị em. Mỗi ngày, ba mẹ em đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nên cả nhà có rất ít thời gian nói chuyện và ăn cơm cùng nhau. Đã vậy, mỗi lần cô bé làm sai việc gì hoặc làm đổ vỡ đồ dùng trong nhà, ba mẹ lại to tiếng mắng em là “đồ ăn hại, vô tích sự, ngu dốt...”, khiến em rất buồn và suy sụp. “Lúc nào ba mẹ con cũng đem con ra so sánh với chị hai. Mà con ngu thật hả cô? Con chẳng làm được gì nên hồn hết, con buồn lắm!”, Hoa khóc thút thít nói với chuyên viên tâm lý.
Tác động đến việc hình thành nhân cách
Nhìn nhận sự ảnh hưởng từ phát ngôn của người lớn đến tâm trí con, ThS. Giáo dục Phạm Phúc Thịnh, chuyên viên tư vấn trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc nhìn nhận: Trẻ dưới 18 tuổi là giai đoạn đang tiếp nhận các yếu tố xã hội để hình thành nên nhân cách. Bởi các em như một tờ giấy trắng với một tâm hồn non nớt và dễ bị tổn thương, nên những lời nói của người lớn có tác động rất rõ rệt trong việc hình thành nhân cách của các em sau này. “Những lời nói chì chiết của cha mẹ sẽ in sâu vào tâm thức các em và có vai trò rất lớn trong việc định hình nên tính cách của chúng. Sau này, các em sẽ dùng chính những lời nói như thế để đối xử, “giao tiếp” với bạn bè và những người xung quanh”, ThS. Thịnh đúc kết. Ông cũng cho rằng, trên thực tế, những em hay bị cha mẹ chỉ trích thường trở nên mất tự tin và có thái độ buông xuôi, không muốn học hành hay làm việc. Bên cạnh đó, chính cách hành xử này của cha mẹ sẽ tạo nên trong trẻ tâm lý phản kháng ngấm ngầm, có thể ngay lúc đó, các em không cãi lại nhưng sẽ tìm một cơ hội để chống đối. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ không còn tôn trọng cha mẹ, phá vỡ tình cảm gia đình tốt đẹp.
Gần đây, các chuyên gia tâm lý Mỹ cũng khuyến cáo về mức độ nguy hiểm của căn bệnh trầm cảm xảy ra ngày càng nhiều ở lứa tuổi học sinh. Tình trạng này diễn ra thường xuyên hơn khi những áp lực học hành đè nặng lên vai trẻ, lại cộng thêm sự thiếu quan tâm từ phía gia đình khiến chúng bị mất định hướng.
Thụy Nguyên