Hiện nay có khoảng 2-10% các bé lứa tuổi tiểu học bị tăng động (bé trai bị nhiều hơn bé gái từ 4-10 lần) và 30% bé vẫn có các triệu chứng tăng động giảm chú ý khi trưởng thành. Tăng động do nhiều yếu tố kết hợp lẫn nhau tạo nên như: do não của bé bị tổn thương trước và sau sinh, do yếu tố di truyền kết hợp với yếu tố môi trường sống bất lợi.
HHiếu động hay tăng động?
Để phân biệt bé bị hiếu động hay tăng động, cần lưu ý:
Hiếu động | Tăng động | |
Khái niệm | Là một đặc điểm phát triển tâm lý của lứa tuổi. | Là rối loạn do bất thường ở não. |
Tuổi mắc | Xuất hiện khi bé mới biết đi, hết dần khi lớn lên | Xuất hiện ở các bé dưới 6 tuổi, có xu hướng kéo dài. |
Mức độ hành vi | - Chỉ nghịch ở nhà. - Có thể ngồi yên trên 10-15 phút. - Biết nghe lời khi được nhắc nhở. - Nói nhiều từng lúc. - Ít chen ngang vào câu chuyện và công việc của người khác. - Biết chờ đợi nếu được nhắc nhở. | - Nghịch mọi lúc, mọi nơi, không ý thức được có nên nghịch không. - Không thể ngồi yên. - Không biết sợ, không nghe lời khi được nhắc nhở. - Nói nhiều liên tục. - Thường xuyên chen ngang vào câu chuyện hoặc công việc của người khác. - Không biết chờ đợi khi phải xếp hàng. |
Khi được nhắc nhở và điều chỉnh hành vi | Sẽ hoàn toàn ổn định về tâm lý khi lớn lên. | Không có hiệu quả mà phải điều trị và can thiệp y học. |
Biểu hiện bé bị tăng động
Các dấu hiệu giảm tập trung, chú ý: 9 dấu hiệu điển hình là: không tập trung vào nhiệm vụ, không cẩn thận, tỉ mỉ trong học tập và công việc, không chú ý lắng nghe người khác nói, không tuân theo các hướng dẫn, không biết tổ chức công việc, không thích tham gia vào công việc đòi hỏi phải nỗ lực về trí tuệ, hay quên và làm mất đồ dùng học tập, dễ bị sao nhãng bởi những kích thích bên ngoài, hay đãng trí trong sinh hoạt hằng ngày.
Các dấu hiệu tăng hoạt động, hấp tấp:
- 6 dấu hiệu tăng hoạt động: ngồi không yên, luôn cựa quậy chân tay, rất hay rời khỏi ghế khi phải ngồi một chỗ, luôn chạy nhảy, leo trèo ở nơi không cho phép, khó tham gia vào các hoạt động tĩnh, luôn chân luôn tay như thể được “gắn động cơ”, nói quá nhiều.
- 3 dấu hiệu của sự xung động hấp tấp: thường trả lời trước khi người hỏi chưa đặt xong câu hỏi, khó chờ đợi lần lượt thứ tự, hay nói chen ngang vào hội thoại của người khác.
Để xác định bé có bị tăng động giảm chú ý hay không, cần cho bé đi khám chuyên khoa nhi và tâm lý. Các nhà chuyên môn sẽ quan sát hành vi của bé trong một số hoàn cảnh khác nhau như khi bé chơi, cách bé hoạt động, giao tiếp… Chẩn đoán xác định tăng động ít nhất phải có 6 dấu hiệu của giảm chú ý và 6 dấu hiệu của tăng động xung động, xảy ra ít nhất ở 2 hoàn cảnh khác nhau (ở nhà , ở trường, nơi công cộng…), khởi phát trước 7 tuổi, thời gian rối loạn kéo dài ít nhất 6 tháng.
Hậu quả khi không được chữa trị kịp thời
Nếu không được quan tâm đúng mức và can thiệp sớm, đến tuổi vị thành niên, vấn đề trở nên rất khó khăn do bé thất bại về học tập, quan hệ không tốt với bạn bè và người xung quanh, bé kém tự tin, mặc cảm hoặc nhiễm các thói hư tật xấu,… Khi trưởng thành, người bị rối loạn tăng động có nhiều khó khăn về nghề nghiệp, giảm hiệu quả lao động và học tập, dễ xung đột với người xung quanh, dễ bị tai nạn, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.
Do vậy, việc phát hiện, điều trị và can thiệp sớm rối loạn này là rất cần thiết.
ThS.BS Quách Thúy Minh
Nguyên trưởng khoa Tâm bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương