Tại sao cần quan tâm tới cơn giận của bé?
Khi tức giận, bé sẽ thể hiện những hành vi xấu như gào, thét, bù lu bù loa, giậm chân, đánh bạn, đánh em, đập vỡ đồ chơi…Nếu cứ để những hành vi này phát triển sẽ ảnh hưởng tới tính cách của bé trong suốt những chặng đường về sau. Do đó, cha mẹ cần quan tâm và tìm cách giúp bé hiểu hơn về bản thân mình, uốn nắn tính cách cho bé. Đây là giai đoạn quan trọng để rèn cho bé những thói quen tốt. Nếu để qua giai đoạn này, việc uốn nắn bé sẽ khó khăn gấp nhiều lần.
Cha mẹ cần làm gì?
Tỏ vẻ không quan tâm: “Đánh trống lảng”, làm như không có chuyện gì xảy ra. Đây được xem là cách hữu hiệu nhất. Không có khán giả, mọi giận dữ sẽ đi qua nhanh chóng.
Chuyển sự chú ý của bé sang vấn đề khác:
- Bạn có thể bắt chước bé, làm cho bé cười phá lên. Nếu bé đập chân, đập tay thì cha mẹ có thể giả vờ gào lên như bé đang làm rồi bế bé lên và chạy. Hoặc làm trò chạy nhảy, hò hét ồn ào, bé sẽ quên cả giận dữ.
- Đưa bé ra khỏi nhà (nào cũng đi chơi, đi xem vịt…) hoặc phân tán chú ý của bé bằng cách lấy hộp màu ra cho bé khác chơi, lấy đồ ăn ra cho bé nhìn thấy… bé sẽ quên giận dữ và “mon men” lại gần.
Liên tưởng sự giận dữ với hình ảnh xấu:
Nhắc cho bé những nhân vật trong sách, truyện tranh, phim hoạt hình mà bé biết đã từng có hành vi cau có, trông rất xấu xí (công chúa trong truyện “Hoàng tử Ếch”, mèo Tôm trong “Tôm và Jerry”…) hoặc vẽ cái đầu xịt khói, toát mồ hôi… Bé em thường sợ xấu và đây là một cách trực quan để nhắc nhở bé giận dữ là không hay.
Cảm thông với bé:
Cần biết tại sao bé nổi giận, từ đó giải thích để bé hiểu. Có khá nhiều lý do: chuyển sang trường mầm non mới, thích mặc cái áo này mà mẹ không cho, bực mình vì món đồ chơi bị hư, thấy em hoặc anh, chị có quà sinh nhật mà bé không có…vv. Dù là lý do gì, cha mẹ hãy cố gắng tìm hiểu chính xác nguyên nhân dẫn tới sự giận dữ ở bé. Bằng cách hiểu, cảm thông và cùng với bé giải quyết nguyên nhân đó, cha mẹ sẽ dễ dàng làm nguôi cơn giận ở bé.
Kiểm soát thái độ và hành vi của mình:
Một trong những điều quan trọng nhất để đối phó với cơn giận của bé là cha mẹ phải học cách kiềm chế mình để bình tĩnh, không nổi cáu với bé, không “đổ dầu vào lửa”. Khi bé cáu giận mà vẫn nhận được sự ân cần, nhẹ nhàng của cha mẹ thì bé sẽ nhanh chóng vượt qua cơn giận của mình, đồng thời cũng học được cách ứng phó với cơn giận dữ của người khác trong tương lai.
Biết cách ứng phó đúng đắn với cơn giận của con, tập cho con tự “hạ nhiệt” khi nóng giận từ lúc còn nhỏ sẽ giúp bé khỏe mạnh hơn về tinh thần, tập trung tốt hơn, quan hệ với bạn bè thân thiện hơn.
Những bé biết cách kiềm chế cơn giận thường tìm ra nhiều từ ngữ phong phú hơn để diễn tả xúc cảm của mình, từ đó phát triển ngôn ngữ tốt hơn.
Chuyên viên XHH Nguyễn Thị Thanh Thúy
Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ - TP.HCM