Sau 3 tuổi, sự phát triển thể chất, quá trình tâm lý,… tạo nên một “hình ảnh mới” ở bé. Bé bắt đầu ý thức về bản thân, dần tách mình ra khỏi người khác và nhận ra những khả năng của chính mình. Vì vậy, bé sẽ nhìn nhận thế giới xung quanh (bao gồm cả người lớn) với thái độ mới. Bé bộc lộ rõ nhu cầu được độc lập như: muốn tự lấy nước, tự mặc quần áo... và hầu như khước từ sự can thiệp của người lớn vào các hoạt động của mình. Như vậy, cách hành xử cũ của cha mẹ (làm thay, cấm đoán,…) có thể làm nảy sinh các hành vi chống đối, hung hăng ở bé.
Lúc này, cha mẹ cần làm gì?
Vui vẻ chấp nhận: Đầu tiên, cha mẹ cần nhận ra sự thay đổi của bé và chấp nhận với thái độ ôn hòa. Hãy lưu ý rằng, chúng ta không thể “bẻ ngược” sự phát triển của bé và càng không mong muốn sự phát triển của bé luôn “dậm chân tại chỗ”. Vì vậy, hãy vui vẻ vì bé có những biểu hiện độc lập trong hành vi, đồng thời cho bé được tự giải quyết các vấn đề vừa sức: tự phục vụ (thay quần áo, xúc cơm, dọn đồ chơi, …), giải quyết các khúc mắc với bạn cùng chơi,… Việc này không chỉ đáp ứng được nhu cầu muốn độc lập ở bé mà còn là cơ hội để bé bộc lộ rõ nhất tính cách, từ đó, cha mẹ có thể định hình cách tác động phù hợp.
Bình tĩnh giải quyết, không đòn roi: Muốn kiểm soát tính ương bướng của bé, cha mẹ cần tỏ ra sáng suốt. Việc gào lên và đánh con ngay lúc đó chỉ có tác động dập tắt tức thời. Bé không thể bớt hung hăng khi chứng kiến thường xuyên “khuôn mẫu” hành vi đó của cha mẹ.
Đánh đòn chưa bao giờ là phương pháp giáo dục được khuyến khích. Mọi lời dọa nạt chỉ khiến bé thêm mất bình tĩnh, hoặc đánh đấm “hăng say”, hoặc chống đối bằng cách im lặng. Trong giai đoạn này, bé có một nguyện vọng nổi trội là: muốn được làm người lớn. Vì thế, hãy đối xử với bé như một người lớn thực thụ bằng một cuộc nói chuyện ôn hòa. Cha mẹ cần phân tích cho bé hiểu hành vi đó không tốt, nếu muốn được người khác công nhận thì phải tỏ ra mình là người lớn, và người lớn thì không ai hung hăng, giành đồ chơi và đánh bạn như thế. Trong trường hợp này, cha mẹ phải trở thành tấm gương thuyết phục về hành vi giao tiếp ôn hòa cho bé.
Phân tán sự chú ý: Khi bé bắt đầu có biểu hiện hung hăng, hãy coi như không biết gì và điềm nhiên giao cho bé một nhiệm vụ mà bé yêu thích. Điều này giúp bé không “sa đà” cảm xúc và cũng là cơ hội cho cha mẹ thoát khỏi cơn giận của mình để tỉnh táo chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện ôn hòa với bé sau đó.
Hoạt động cùng bé: Cùng bé đọc sách, chơi trò chơi, đi dạo, dọn dẹp nhà cửa,… vừa là cơ hội để bé phát triển toàn diện, vừa là điều kiện để bé được uốn nắn hành vi thông qua các tương tác giữa bé và người lớn. Trong vai một người bạn, cha mẹ có thể đưa ra những “hành vi mẫu” cho bé, từ đó, bé biết được mình nên hành xử như thế nào để được xem là “người lớn”, là em bé ngoan.
Cùng bé xây dựng chuẩn mực: Giáo dục bé luôn cần sự cứng rắn, tôn nghiêm. Trách - phạt là một trong những phương pháp cần được áp dụng. Cha mẹ hãy mạnh dạn phạt bé khi bé chưa ngoan, nhưng hãy cùng bé thảo luận hình thức phạt: không đi chơi, không được ăn món yêu thích, không được sắm đồ chơi, không được xem ti vi,… Với những “luật lệ” được xây dựng và nhắc nhở thường xuyên, bé sẽ biết điều chỉnh hành vi để không bị phạt, lâu dần sẽ thành thói quen và đến lúc nào đó, hành vi tích cực ở bé xuất hiện không vì “án phạt” mà vì đó là chuẩn mực, tích cách của bé.
ThS. Tô Nhi A
Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương TP.HCM