Không làm hộ bé
Đôi khi, tính tự ti cũng trở thành thói quen, thậm chí có những việc có thể làm được nhưng bé vẫn từ chối không làm và trả lời: “Con không biết”, “Con không làm được”. Điều đó không phải là bé không vâng lời mà do bé thiếu tự tin, sợ thất bại, sợ bị chê trách. Bạn cần tin tưởng rằng nếu cố gắng, bé có thể làm được, vì vậy, cần tránh làm hộ bé những việc đơn giản mà bản thân bé có thể giải quyết được như tự mặc quần áo, tự cầm cốc uống nước, dùng bát và thìa xúc cơm, đi giày, dép, mặc quần áo, bê ghế, dọn bàn ăn...
Động viên bé làm việc
Để củng cố và phát triển tính tự tin của bé, cần khắc phục tính rụt rè, nhút nhát, thiếu quyết tâm của bé bằng việc động viên bé thực hiện những nhiệm vụ được giao theo khả năng của mình. Cần chỉ rõ bé phải làm những gì và làm như thế nào để đạt được kết quả mong muốn. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra phải phù hợp với khả năng của bé, hấp dẫn bé, gắn với hứng thú và tính tích cực của bé. Ví dụ: muốn bé có nền nếp đánh răng, chải tóc, bạn cần sắp đặt các đồ dùng ở nơi thuận tiện, vừa tầm tay bé, dễ lấy và đẹp mắt. Nhiệm vụ quá khó dễ gây cho bé sự nản chí, thiếu tự tin vào chính mình, hoang mang, sợ khó khăn.
Quy định riêng
Mỗi gia đình nên có một số quy định và yêu cầu bé thực hiện. Các thành viên trong gia đình cần thống nhất để giao cho bé làm những việc đơn giản, vừa sức hằng ngày như: lấy thìa, đũa, xếp ghế ăn, lấy tăm, nước, lau bàn ghế, cất gọn đồ chơi sau khi chơi.
Không chê bai
Bạn cần tặng bé lời khen ngợi ngay từ những cố gắng bước đầu của bé và động viên liên tục một cách thiện chí, không chê bai, chỉ trích khi bé làm sai để tránh phá hoại sự tự tin cũng như sự hứng thú làm việc của bé.
Giúp bé thử nghiệm
Tùy từng độ tuổi và thời gian mà bạn cần tạo thêm cho bé cơ hội để thử nghiệm những điều mới mẻ, được làm việc, được chơi và khám phá sự vật trong một môi trường an toàn. Ví dụ: cho phép bé được tắt, mở, chọn kênh trên ti vi nếu bạn cảm thấy điều đó an toàn.
Theo Nhất Việt