Các bé tuổi mầm non đã bắt đầu hình thành ý thức và tỏ thái độ sợ hãi trong một số trường hợp như xa nhà, đi học, sợ ma, những con vật xấu xí, bóng tối… Suy nghĩ, tưởng tưởng của các bé vốn trong sáng, ngây thơ, do đó, bé thỉnh thoảng không thể thoát khỏi nỗi sợ, mặc dù đã được giải thích sự thật.
Để giúp bé vượt qua sợ hãi, bạn cần cảm nhận được những cảm giác của bé và luôn bên bé để bảo vệ, chở che. Hãy thể hiện sự quan tâm nhưng khuyến khích bé độc lập và chấp nhận bản thân. Thích khám phá và đôi khi liều lĩnh mà không lường trước được hiểm nguy, thậm chí đã được người lớn cảnh báo, rồi sau đó sợ sệt, đó là sự phát triển bình thường ở các bé. Bạn luôn phải để mắt đến con trong thái độ khuyến khích con tự lập, tự giải quyết. Bạn có thể nắm tay và bảo: “Không sao đâu con, cẩn thận từ từ bước xuống”, tuyệt đối không bế bé xuống.
Bạn nên nói cho bé biết rằng ai ai cũng có nỗi sợ, cả bạn nữa. Cố gắng hiểu quan điểm của bé, đồng thời hãy tìm hiểu nguyên nhân gây ra nỗi sợ và đề xuất hướng giải quyết, chẳng hạn khi bé sợ bóng tối, có thể giải quyết bằng cách bật đèn ngủ và không kéo rèm cửa.
Bạn cần thật cẩn trọng và có lựa chọn trong từ ngữ, cách nói khi trò chuyện với bé, vì ở độ tuổi này, bé hiểu theo nghĩa đen của từ và có thể vô hình trung, bạn đã tạo ra nỗi sợ mới cho bé. Ví dụ, bạn không muốn bé chui vào góc nào đấy, thay vì nói “Con à, trong đó bẩn lắm”, bạn lại nói “Í, trong đó ghê lắm con à”, bé sẽ nghĩ trong đó có gì đáng sợ lắm và có tâm lý sợ sệt, lo lắng khi đi ngang qua hay đến gần.
Bé có xu hướng lẩn tránh khi cha mẹ đặt kỳ vọng và thúc ép bé quá nhiều. “Sao con nhát gan thế?”, khi nghe câu này, bé sẽ có cảm giác tự ti vì nghĩ rằng mình là thật sự là “thỏ đế” và không muốn khắc phục.
Khi bé không muốn tham gia những thử thách mới như tập chạy xe đạp, chơi trò chơi mới…, bạn cần kiên nhẫn thuyết phục và tham gia cùng bé. Hãy khuyến khích khi thấy bé tự tin và hãy cổ vũ, khích lệ nồng nhiệt để tán thưởng và ghi nhận những thành công của bé.
An Kỳ