Nhóm tuổi học sinh tiểu học được phân chia thành các nhóm nhỏ theo sự phát triển sinh lý và tốc độ phát triển của bé. Từ 7-9 tuổi, tốc độ phát triển có chậm, nhất là chiều cao, nhưng khi bé 10-12 tuổi, tốc độ phát triển nhanh cả về chiều cao và cân nặng.
Nhu cầu dinh dưỡng của bé trong độ tuổi 6-12 được khuyến nghị như sau:
Các chất dinh dưỡng | Nhóm tuổi | Nhu cầu |
Năng lượng | 7-9 | 1.825 kcal/ngày. |
10-12 | Trai: 2.110 kcal/ngày. Gái: 2.010 kcal/ngày. | |
Chất đạm | 7-9 | 54-64g/ngày (≥50% là đạm động vật). |
10-12 | Trai: 63-74g/ngày (35-40% là đạm động vật). Gái: 60-70g/ngày (35-40% là đạm động vật). | |
Chất béo | 7-12 | 20-25% tổng sổ năng lượng, tối đa là 30%. |
Chất bột đường | 7-12 | 61-70% tổng số năng lượng |
Chất xơ | 7-12 | 18-20g/ngày. |
Như vậy:
- Về chất đạm: Cha mẹ cần lưu ý tỷ lệ đạm động vật từ 35-40% đến ≥ 50%.
- Về chất béo: Chất béo có năng lượng cao. 1g cho 9,3 kcal, gấp đôi năng lượng của 1 g chất đạm hay chất bột đường. Chất béo lại là dung môi hòa tan các vitamin tan trong dầu mỡ như A, D, E, K. Vì thế, bé cần ăn thức ăn giàu năng lượng như thịt béo, dầu, mỡ, vừng, lạc…
- Về chất bột đường: Chú ý chất bột đường phức hợp (có nhiều trong các hạt ngũ cốc, hạt họ đậu, rau các loại) có tác dụng làm tăng thời gian để hấp thu đường so với các loại đường ngọt như đường mía. Nó không làm tăng gánh nặng sản xuất insulin của tuyến tụy, làm bình ổn vi khuẩn đường ruột và phòng chống sâu răng cho bé.
- Các chất xơ có nhiều trong khoai củ, rau quả, tuy có giá trị dinh dưỡng rất ít nhưng có tác dụng nhuận tràng, kích thích khả năng hoạt động của ruột già, làm tăng khả năng tiêu hóa, góp phần bài xuất cholesterol và các chất độc trong thực phẩm ra khỏi cơ thể, làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng.
Ngoài những thành phần chính ở trên, các chất khoáng và vitamin với hàm lượng nhỏ nhưng rất quan trọng với bé. Các chất khoáng (canxi, phốtpho, magiê, sắt, kẽm, i-ốt…) cũng tham gia tạo xương, tạo máu, tham gia vào nhiều chuyển hóa trong cơ thể. Cơ thể bé cũng cần đầy đủ các nhóm vitamin, cả nhóm tan trong nước như vitamin C, vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6, B9…) và nhóm tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K. Nếu thiếu hoặc thừa các chất khoáng và vitamin đều gây ra những hậu quả xấu cho bé.
Ở lứa tuổi này, bé đã lớn, ăn cùng gia đình cả 3 bữa chính (trong đó, bữa sáng rất quan trọng). Ngoài ra, cha mẹ nên cho bé ăn thêm 1-2 bữa phụ. Bé phải được ăn đủ, cân đối các nhóm thực phẩm và hạn chế các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, nhiều béo, muối, có ga, nhiều đường tinh luyện và bánh kẹo ngọt để tránh sâu răng.
BS.CK1 Phạm Thị Thục
Nguyên trưởng phòng khám Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội)