Đảm bảo đủ dưỡng chất
Chất đạm: Chọn thịt nạc như gà, bò, heo…; cá ngừ, cá thu…; trứng luộc, sữa hoặc những miếng pho-mát nhỏ…
Carbohydrate: Chọn những nguyên liệu cung cấp carbohydrate phức hợp như bánh mì toàn phần, khoai tây, mì sợi… Đây là những món ăn phóng xuất năng lượng một cách chậm chạp, lâu bền nên duy trì được mức độ ổn định về năng lượng, giúp bé hoạt động và tập trung trong thời gian dài.
Canxi: Mỗi ngày, bé cần khoảng 400 ml sữa, do đó, bạn có thể cho bé uống 1 hộp sữa tươi hoặc 1 cốc sữa chua trong khẩu phần bữa trưa này. Một cốc sữa chua và 30g pho-mát cứng cung cấp một lượng canxi tương đương với 200 ml sữa.
Các vitamin và khoáng chất: Bạn nên để trái cây tươi trong hộp thức ăn trưa của bé. Các loại rau sống, rau củ như rau thơm, xà lách, cà chua và dưa leo cắt lát… ăn với nước chấm thường khiến bé ưa thích. Ngoài ra, bạn nên cho bé ăn, uống các loại nước trái cây có nhiều vitamin C như cam, chanh, kiwi, quýt… để gia tăng mức hấp thu chất sắt của cơ thể; không nên cho bé uống những loại nước ép trái cây nhân tạo, vì nó chứa nhiều đường không tốt cho sức khoẻ bé.
Bảo quản bữa trưa cho bé như thế nào?
Khi trời nóng, thức ăn rất dễ bị ôi thiu, vì vậy, bạn cần tuân thủ một số nguyên tắc bảo quản thức ăn để bữa trưa của bé được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Hộp sắt, hộp nhựa đựng thức ăn phải được rửa thật sạch, phơi hoặc sấy khô trước khi cho thức ăn vào và có nắp đậy kín.
- Các món ăn cần được phân loại và để vào từng ngăn riêng.
- Bánh mì kẹp phải được bọc trong bao nhựa hoặc giấy kẽm, các món dùng làm nhân bánh cần được gói riêng.
Theo Tinycollege