Vào tiểu học là một bước ngoặc của cuộc đời bé. Ở “cung đường mới” này, bé tham gia hàng loạt các hoạt động có sự khác biệt về chất so với lứa tuổi trước đó. Đặc biệt nhất là hoạt động học tập. Song song đó, ý thức của bé về bản thân không đơn giản chỉ là “nguyện vọng độc lập” mà còn là mong muốn khẳng định vai trò “công dân”, vị trí của một thành viên trong một tổ chức với cơ cấu rõ ràng, với những nội quy trường lớp đã được bé thuộc nằm lòng. Hoạt động mới, nguyện vọng mới, năng lực mới hình thành một cách đồng loạt ở bé đòi hỏi cha mẹ phải có những tác động phù hợp trong việc khuyến khích, động viên để lời khen được bé tiếp thu và có giá trị củng cố hành vi tích cực cho bé.
Lời khen không thể mơ hồ
Ở lứa tuổi tiểu học, các bé nhìn nhận sự việc, hiện tượng xung quanh mình một cách trực tiếp và cụ thể. Chính vì thế, lời khen của cha mẹ dành cho bé cần phải xác định nội dung một cách chi tiết, có “minh chứng”. Những lời ngọt ngào, có cánh: “Con của mẹ giỏi quá!”, “Con là một đứa trẻ tuyệt vời!”,… cần phải được thay thế bằng những phát biểu nhìn nhận sự cố gắng của bé trong từng việc làm, hành vi. Chẳng hạn: “Điểm 10 cho thấy con đã rất cố gắng, con thấy chưa, con làm được mà, luôn cố gắng như vậy nhé!” hoặc: “Con cho bạn mượn bút chì là việc tốt, bạn bè phải giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn thì mới là bạn bè, đúng không?!” hay “Mẹ yên tâm về con rồi đó, con tự biết quét nhà giúp mẹ là điều đáng khen vì mẹ sẽ đỡ vất vả hơn một chút, con sẽ nhận nhiệm vụ quét nhà luôn chứ?!”.
Không bao gồm sự tâng bốc
Các bé ở độ tuổi tiểu học đã ý thức rất rõ về bản thân mình. Bé đã có khái niệm khá đầy đủ về bản thân và diễn ra sự định hình về bản thân một cách mạnh mẽ. Do đó, cha mẹ cần lưu ý đánh giá đúng năng lực và sự đóng góp của bé để đưa ra lời khen. Những lời có cánh dễ khiến bé ảo tưởng về năng lực bản thân và tỏ ra kiêu ngạo. Điều này càng dễ trở thành hiện thực hơn khi để bé chứng kiến việc cha mẹ nhiệt tình khoe với người quen về những thành tích “đáng nể” của mình kèm theo những lời xuýt xoa: “Bé giỏi lắm đó!”.
Khen ngợi và trả công là khác nhau
Mục đích của việc khen ngợi là giúp bé nỗ lực hơn nữa, phát triển tư duy và biến hành vi tích cực trở thành một đặc trưng trong nhân cách. Một trong những cách khen ngợi là sử dụng phần thưởng bằng hiện kim hoặc hiện vật. Đây không phải là điều xấu, nhưng cha mẹ cần khéo léo trong việc đưa ra phần thưởng. Nếu tất cả mọi hành vi đều có thưởng và mọi sự khuyến khích đều theo kiểu “nếu con làm được thì bố mẹ sẽ mua cho con…” là điều không được khuyến khích. Việc này dễ hình thành trong nhận thức của bé “làm được để lấy quà” – quan niệm về sự đổi chác. Hãy cho bé thấy tùy mức độ sự cố gắng, tùy tình hình, tùy hoàn cảnh gia đình mà bé sẽ nhận được phần thưởng vào lúc nào, ra sao và thưởng chỉ mang tính tượng trưng cho việc cha mẹ ghi nhận sự nỗ lực của bé.
Động viên bằng cách ghi nhận thành quả
Cha mẹ hãy cố gắng đừng lấy chuẩn năng lực của một bé khác để đòi hỏi biểu hiện ở con mình. Kết quả việc bé làm đôi khi không xuất chúng, nhưng hãy nhận ra đó là sự cố gắng hết mình của bé, sự tiến bộ của ngày hôm nay so với ngày hôm qua của chính bé. Đồng thời, hãy xem bé như một người công dân thực thụ trong gia đình. Một số lời khen “hôm nay con quét nhà sạch hơn hôm qua nè”, “con không nói chuyện trong lớp nên hôm nay con không còn bị ghi tên lên bảng nữa rồi”, “hôm nay con nhặt rau phụ mẹ nên mẹ nấu ăn nhanh hơn nè”, “bài chính tả được 8 điểm, con thấy chưa, cố gắng là được mà!”... giúp bé cảm thấy làm việc có ích, được tôn trọng và cố gắng hơn. Bên cạnh đó, tự bản thân bé hình thành được thói quen làm việc ngăn nắp, khoa học hơn sau mỗi lần thực hành công việc.
ThS Tô Nhi A
Trường Cao đẳng Sư phạm TW TP.HCM