Bé cần ăn cân đối các nhóm thực phẩm và sữa để phát triển chiều cao. Tuổi này các bé có vóc dáng thon thả, chỉ tăng khoảng khoảng 2 kg/năm cho tới khi bé bắt đầu dậy thì. Vì vậy, nếu bé tiếp tục tăng cân rất nhanh thì cha mẹ phải điều chỉnh chế độ ăn để phòng bé bị dư cân béo phì. Ngược lại, những bé ăn khó, kén ăn, khi vào lớp 1 bán trú phải tự xúc ăn, có thể bé sẽ ăn ít, bỏ thức ăn, thời gian dài sẽ thiếu chất, còi cọc, cần bổ sung thêm cho bé những bữa ăn phụ hay sữa, hoặc uống thêm các thuốc bổ sung.
Bữa ăn sáng rất cần cho bé để khởi đầu 1 ngày mới minh mẫn, học tập hiệu quả. Cho nên cha mẹ không nên để bé ăn qua loa hoặc bỏ bữa. Thêm 1 ly sữa sau bữa ăn nếu bé không ăn được nhiều.
Bữa cơm gia đình cần được duy trì, nhất là vào buổi tối. Đây là lúc cha mẹ có dịp giải thích cho bé về lợi ích của thực phẩm. Với bé lớp 1, lớp 2, cha mẹ có thể đặt những câu hỏi đố vui về thực phẩm, giúp bé hiểu giá trị của thực phẩm (ví dụ như nó có từ đâu, phát triển như thế nào, có ích lợi gì, nhiều hay ít năng lượng…). Nên hướng bé tới những thức ăn thích hợp, các bé đã dư cân thì khuyến khích ăn rau củ nhiều, bớt ngọt, béo; các bé cần tăng cân thì khuyến khích ăn thêm cơm, bữa phụ, sữa,… Tránh tranh luận hay la mắng bé trong bữa ăn, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của bé.
Hạn chế ăn vặt để bé được cung cấp nhiều dưỡng chất từ những bữa ăn chính. Cha mẹ nên trữ nhiều trái cây và rau củ mà bé thích, để ở những nơi bé dễ thấy. Khi ra ngoài, nếu không thể cấm hẳn việc bé ăn đồ ăn vặt, cha mẹ nên hướng dẫn bé ăn có chừng mực.
Hạn chế đồ ăn nhanh: Những món ham-bơ-gơ, khoai tây chiên, gà rán… nhiều muối, nhiều chất béo chiên với nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng tình trậng béo phì và nguy cơ tim mạch nếu sử dụng thường xuyên.
Khuyến khích bé vận động nhiều, hạn chế giờ xem ti vi mỗi ngày để phòng ngừa nguy cơ béo phì sau này.
BS.CK1 Trần Mỹ Loan
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM