Tăng lượng vi chất dinh dưỡng ăn vào
Việc sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, phối hợp đủ 4 nhóm thực phẩm trong chế biến bữa ăn không chỉ giúp bé ăn ngon miệng, ăn được nhiều mà còn đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng cho bé.
Mẹ có thể lực chọn các thực phẩm giàu vi chất nguồn tự nhiên như: gan gà/vịt/bò/lợn giàu vitamin A, D, sắt, và kẽm.
- Sắt có nhiều trong tiết, thịt bò, đậu xanh, nấm hương…
- Kẽm có nhiều trong thịt gà, các loại hải sản, giá đỗ nảy mầm.
- Iốt có nhiều trong tảo biển, cá biển, hải sản…
- Axit folic có nhiều trong thịt bò, rau có lá mầu xanh thẫm như: măng tây, rau ngót, rau mùng tơi…
- Vitamin A có nhiều trong thịt các loại, sữa, trứng, và trong rau có lá mầu xanh thẫm và củ quả có mầu vàng có các tiền tố vitamin A là Beta-caroten…
Đây là phương pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng một cách tự nhiên, ít tốn kém, an toàn và hiệu quả.
Sử dụng thực phẩm bổ sung
Các thực phẩm có bổ sung, tăng cường vitamin và khoáng chất bao gồm bổ sung đơn chất (sắt, axit folic, vitamin A, iốt, kẽm) và bổ sung đa vi chất cho bé. Ở Việt Nam, các thực phẩm được bổ sung vi chất dinh dưỡng cũng khá phong phú cho các mẹ lựa chọn. Các sản phẩm có thể kể đến là nước mắm có bổ sung sắt; đường bổ sung vitamin A; bánh quy bổ sung kẽm, canxi; bột dinh dưỡng bổ sung đa vi chất; sữa bột/sữa nước công thức có bổ sung đa vi chất dinh dưỡng… Ngoài ra, bé có thể uống siro sắt, siro kẽm hoặc các loại siro bổ tổng hợp để bổ sung vi chất thiếu hụt. Tuy nhiên, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi cho bé sử dụng các sản phẩm này.
Vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân
Thực hiện giải pháp này cho bé thật tốt để bé không mắc các bệnh nhiếm khuẩn hay bệnh do ký sinh trùng gây nên. Ví dụ như tình trạng nhiễm giun móc hay bệnh sốt rét có liên quan đến tình trạng thiếu máu, thiếu sắt ở bé. Bé bị nhiễm giun đũa sẽ có tình trạng vitamin A kém. Bé bị tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa kéo dài sẽ kém ăn, kém hấp thu các vi chất dinh dưỡng hơn bé khỏe mạnh. Ở những vùng có nguy cơ nhiễm giun cao, và tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, mẹ nên tẩy giun định kỳ cho bé từ 2 tuổi trở lên, 6 tháng/lần theo tư vấn của bác sĩ.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm
Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia