Bệnh nhi được đưa vào khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu sáng 17/3 trong tình trạng ngừng tim ngừng thở. Các bác sĩ đặt nội khí quản cho bé suốt một giờ nhưng không cứu được.
Theo người nhà, mấy hôm nay bé có biểu hiện bị rối loạn tiêu hóa, nôn trớ. Sáng hôm ấy bé nằm bú rồi ngủ. Mẹ tranh thủ làm việc nhà, nấu cháo cho con. 3 giờ sau chị quay lại đánh thức con dậy để ăn cháo thì thấy toàn thân bé đã tím tái.
Theo bác sĩ, nhiều khả năng bé bị trào ngược dạ dày thực quản trong khi nằm ngủ. Nôn trớ là hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là khi ăn hay bú quá no. Đây được gọi là nôn trớ sinh lý, không đáng lo. Tuy nhiên, đó cũng có thể là biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh xảy ra khi thức ăn của trẻ ngược từ dạ dày lên thực quản, thay vì đi theo chiều tự nhiên từ thực quản xuống dạ dày.
Nguyên nhân có thể dạ dày của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, hệ tiêu hóa chưa ổn định và do tư thế cho trẻ bú chưa đúng. Các bà mẹ hay cho con nằm bú, đặc biệt là ban đêm, tư thế này khiến trẻ dễ nôn trớ hơn do dạ dày như một cốc sữa nằm ngang làm sữa trào ra ngoài. Khoa Nhi bệnh viện đã gặp nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị hội chứng trào ngược nhưng chưa có ca nào tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo bố mẹ, trẻ sau khi bú no cần được bế theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ lưng cho ợ hơi; sau đó đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao. Các bà mẹ không nên để trẻ nằm bú, không đặt bé nằm ngay sau khi bú hoặc đùa giỡn, tâng bồng lên xuống…
Thu Hương (theo vnexpress)