Như các bạn đã biết, nhiễm độc chì gây tổn hại tới sức khỏe cho người lớn cũng như trẻ nhỏ. Thực tế, ảnh hưởng của chì tới trẻ em và thai nhi còn đang trong bụng mẹ là nguy hiểm hơn ở trên người trường thành.
Một liều lượng chì nhỏ có thể chỉ gây một chút ảnh hưởng trên người lớn, lại có thể có tác động rất xấu lên cơ thể của những đứa trẻ non nớt.
Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ một lượng chì nhỏ cũng làm cho hệ thần kinh của trẻ bị ảnh hưởng, nó còn có thể ảnh hưởng tới việc phát triển tầm vóc của trẻ và khiến các tế bào máu của trẻ không hoạt động bình thường.
Nhiễm độc chì gây ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ.
Nhận dạng nguồn phát tán chì gây bệnh là một trong những cách phòng chống nhiễm độc chì trong trẻ nhỏ tốt nhất.
Chúng có thể phát tán từ các nguồn như sơn quét, bụi bẩn, đất, không khí, thức ăn và thậm chí cả trong nước uống. Theo nghiên cứu cho thấy, nhiễm độc chì từ nước uống chiếm tới 20% tổng số nguyên nhân.
Nhiễm độc chì sẽ gây ra những tác hại gì?
Việc nhiễm độc chì có thể gây ra những ảnh hưởng cho trẻ từ khi còn trong bụng mẹ cũng như khi trẻ đã được vài năm tuổi:
- Sinh non: người mẹ mang thai bị nhiễm độc chì có thể sẽ sinh non. Đứa trẻ sẽ chào đời trước mốc 37 tuần mang thai và việc này thường không tốt cho bé.
- Thiếu cân sau khi sinh: trẻ sau khi sinh nặng dưới 2 kg được cho là quá thấp, ngộ độc chì là một trong những nguyên nhân gây ra việc này.
- Não trẻ bị tổn thương.
- Trẻ có thể bị thiếu máu. Lượng hồng cầu luân chuyển trong cơ thể trẻ là không đủ.
- Chậm phát triển: đến một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ phải biết bò, biết đi và biết nói. Việc nhiễm độc chì sẽ gây gián đoạn những giai đoạn phát triển này. Không chỉ ảnh hưởng tới thể chất, nhiễm độc chì có thể còn gây chậm giao tiếp và làm trì trệ việc suy nghĩ.
- Thính giác trẻ có thể sẽ bị tổn hại.
- Các vấn đề về dạ dày có thể sẽ xuất hiện, gây nên bệnh táo bón hoặc kén ăn.
Càng nhiều độc chì được đưa vào cơ thể, lại càng nhiều những vấn đề sức khỏe nảy sinh. Trẻ càng ít tuổi thì càng bị ảnh hưởng nhiều bởi những bệnh gây ra bởi nhiễm độc chì.
Vậy bạn phải làm gì để bảo vệ gia đình mình khỏi nguy cơ nhiễm độc chì?
Hãy cẩn thận với những nguồn chì thường thấy như đồ chơi độc hại nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu có thể hãy tránh xa những khu vực công nghiệp nặng chứa nhiều hóa chất, nhất là vào giai đoạn trẻ đang ở độ tuổi từ 6 tháng tới 3 năm.
Vào tầm tuổi này, trẻ rất hiếu động, có thói quen bò trên sàn và cho nhiều vật lạ vào miệng.
Thói quen cho nhiều đồ vật vào miệng có thể gây nhiễm độc chì ở trẻ.
Có những gợi ý dưới dây giúp bạn bảo về gia đình tốt hơn trước các hiểm họa từ ngộ độc chì:
- Hãy cẩn thận với những đường ống nước cũ. Lượng chì từ gỉ kim loại lẫn vào nước sẽ là một nguồn gây nhiễm độc nghiêm trọng, khi mà nước là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người.
Hãy mang nước máy của gia đình đi kiểm tra nồng độ chì. Chì không màu, không mùi và không vị, vì vậy cách duy nhất để biết được nồng độ chì trong nước là mang đi xét nghiệm.
- Nước nóng sẽ hấp thu nhiều chì hơn nước lạnh, vì vậy đừng dùng nước nóng cho các bữa ăn hàng ngày.
- Hãy lau dọn nhà cửa thường xuyên. Bụi bẩn bám trên mặt sàn, mặt bàn hay trên đồ chơi của trẻ cũng có thể là nguồn nhiễm độc chì. Đảm bảo có đủ sắt và canxi trong các bữa ăn của bạn. Kể cả khi trẻ nhiễm độc chì, một chế độ ăn uống đủ chất sẽ giảm hàm lượng chì có trong cơ thể trẻ.
- Hãy cẩn thận với những nơi trẻ hay chơi đùa. Tránh những khu vực có nguy cơ nhiễm độc chì cao như đường xá, khu vực chứa rác thải.
Nếu như bạn nghi ngờ nước uống của mình nhiễm chì, hay kết quả xét nghiệm nước cho thấy có hàm lượng chì cao. Hãy sử dụng những phương pháp sau:
- Sử dụng nước đóng chai, đóng bình hoặc nước được lọc qua hệ thống để uống, nấu ăn và pha sữa/bột cho trẻ.
- Hãy nhớ nước lạnh sẽ có hàm lượng chì thấp hơn nước nóng. Hãy sử dụng nước lạnh để tránh được ít nhiều hàm lượng chì trong đó.
- Nếu vòi nước không được sử dụng nhiều giờ đồng hồ, trước khi sử dụng bạn hãy bật vòi nước một lúc trước khi sử dụng.
- Để cho chắc chắn, bạn hãy mang nước máy và nước giếng (nếu có sử dụng) đi thử nghiệm nồng độ chì, để đảm bảo cho sức khỏe của mình. Xét nghiệm nước là cách duy nhất để biết được hàm lượng chì trong nước là bao nhiêu.
Như tôi đã nói ở trên, việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng sẽ có thể giúp trẻ chống chọi lại lượng chì nhiễm trong cơ thể. Những đồ ăn giàu canxi như sữa, sữa chua, pho mát và các loại rau xanh sẽ làm cho việc hấp thu chì trong cơ thể giảm sút. Ngoài ra, vitamin C trong quả cam hay nước ép trái cây cũng giúp ích trong việc này.
Chuyên gia sức khỏe Hanna-Attisha giải thích: “Khi chì đi vào cơ thể, hoặc nó sẽ được bài tiết ra ngoài hoặc nó có thể được xương hấp thụ. Đó là lý do tại sao ta nên ăn đồ ăn chứa nhiều canxi để ngăn chặn quá trình này.
Và nếu cơ thể bạn có đầy đủ canxi và vitamin, lượng chì hấp thụ vào máu sẽ giảm đi đáng kể. Và chớ để dạ dày trống, điều này cũng sẽ giúp ích cho trẻ đó. Vì vậy hãy cho trẻ ăn nhiều lên một chút”.
Giúp cho cơ thể bé khỏe mạnh vẫn chưa thực sự đủ, bạn hãy nuôi dưỡng cả trí óc của trẻ nữa. Hanna khuyên rằng hãy đọc truyện cho trẻ nhiều hơn, khuyến khích trẻ động não và tham gia những khóa học khác để trí não trẻ được vận động.
Theo Soha