Hằng ngày, cơ thể bé chỉ cần một lượng rất nhỏ vi chất dinh dưỡng. Nhưng nếu thiếu hụt những vi chất này, sức khỏe và sự phát triển của bé sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kết quả công bố gần đây nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 28,8%, thiếu kẽm là 51,9%. Nhóm bé nhất (6-17 tháng) có nguy cơ bị thiếu kẽm cao nhất khi só sánh với các nhóm tuổi khác. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở bé dưới 5 tuổi là 14,2%. Tỷ lệ thiếu vitamin D ở trẻ nhỏ và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là khoảng 60%, ở lứa tuổi học sinh là 50-56%.
Vậy, thiếu các vi chất này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của bé?
Thiếu sắt: Nhu cầu sắt thay đổi theo lứa tuổi của bé và phụ thuộc vào giá trị sinh học sắt của khẩu phần. Một khẩu phần có giá tri sinh học sắt trung bình khi có lượng thịt cá từ 30-90g/ngày hoặc lượng vitamin C từ 25-75 mg/ngày. Với loại khẩu phần như vậy, bé từ 6-11 tháng tuổi cần 12,4 mg sắt/ngày, bé 1-3 tuổi cần 7,7 mg sắt/ngày, bé 4-6 tuổi cần 8,4 mg sắt/ngày. Khi sắt dự trữ liên kết với các ferritin bị cạn kiệt sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu thiếu sắt sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất cũng như trí tuệ của bé. Thiếu sắt ảnh hưởng tới khả năng học tập của bé. Khi bé thiếu máu thì sự phát triển thể chất của bé sẽ chậm lại, bé sẽ rất lười hoạt động, kém tập trung và dễ ngủ gật trong lớp, hay kêu đau đầu, thiếu hụt sắt lâu dài làm giảm khả năng hoạt động thể lực, đặc biệt là các hoạt động đòi hỏi sức bền. Tuy nhiên, khi được bổ sung đủ sắt, khả năng này sẽ được hồi phục. Ngoài ra, thiếu sắt còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng.
Thiếu vitamin A: Việc thiếu vitanin A dễ dẫn đến thoái hoá, sừng hoá các tế bào biểu mô, giảm chức năng bảo vệ cơ thể. Thiếu hụt vitamin A còn gây bệnh khô mắt, khô giác mạc, nhuyễn giác mạc dẫn đến hậu quả sẹo giác mạc và mù vĩnh viễn. Ở trẻ nhỏ, thiếu vitamin A còn làm giảm khả năng miễn dịch, tăng tỷ lệ bệnh tật, làm cho bé chậm lớn. Thiếu vitamin A sớm có thể ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của bé khi đến tuổi đi học.
Thiếu vitamin D: Nhu cầu vitamin D cho bé dưới 5 tuổi là 5 mcg/ngày. Tuy chỉ cần một lượng rất nhỏ hằng ngày nhưng nếu không được đáp ứng đủ thì sự thiếu hụt vitamin D sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé. Biểu hiện hay gặp ở bé thiếu vitamin D là không ngủ ngon, hay giật mình, quấy khóc về đêm, ra nhiều mồ hôi trộm trong khi ngủ, rụng tóc hình vành khăn, chậm mọc răng, chậm biết bò, biết đi. Nếu tình trạng thiếu vitamin D ở bé kéo dài, hậu quả để lại sẽ không tốt và khó khắc phục cho bé như còi xương, chân vòng kiềng, lồng ngực nhô, suy dinh dưỡng. Thấp còi là một biểu hiện của bệnh thiếu vitamin D, kèm theo thiếu canxi kéo dài trong thời thơ ấu.
Thiếu kẽm: Nhu cầu về kẽm của bé phụ thuộc vào lứa tuổi và chất lượng khẩu phần bữa ăn. Bữa ăn của trẻ nhỏ Việt Nam thường không đảm bảo cung cấp đủ lượng kẽm theo nhu cầu của cơ thể và tỷ lệ bé thiếu kẽm ở nước ta là rất cao, khoảng 20-40%. Bé thiếu kẽm sẽ kém ăn, chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn như tiêu chảy, da và móng dễ bị bong, trầy và tổn thương. Nếu tình trạng thiếu kẽm kéo dài sẽ làm chậm, thậm chí ngừng quá trình phân chia tế bào trong cơ thể, dẫn đến đình trệ quá trình tăng trưởng của cơ thể và hậu quả trầm trọng là bé sẽ bị thấp bé, còi cọc, không phát triển chiều cao.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm,
Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia