Bộ răng sữa gồm 20 răng, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới. Chiếc răng đầu tiên là răng cửa giữa, hàm dưới, sau đó đến các răng khác. Hai răng hàm thứ hai của hàm trên sẽ là những răng mọc cuối cùng. Thông thường, răng đầu tiên mọc vào lúc bé 6 - 8 tháng tuổi.
Khi mọc răng, bé có thể có một vài rối loạn trong cơ thể như mệt mỏi, rất quấy, hay khóc, ít ngủ, dễ kích động khi mọc răng, bứt rứt khó chịu, hay làm nũng. Một số bé chảy nhiều nước miếng và hay gặm thứ gì đó cũng là những biểu hiện thường thấy. Khi dồn năng lượng cho việc mọc răng, sức bảo vệ cơ thể yếu đi nên bé dễ bị cảm, rối loạn tiêu hóa. Vào thời kỳ này hoặc sớm hơn, bé thường bị sốt nhẹ và đôi khi còn kèm theo đi ngoài phân lỏng.
Trước khi răng nhú lên, nướu có thể bị sưng, viêm tấy đỏ, có khi bị loét. Nướu sưng đỏ làm bé luôn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu tại nơi răng nhú lên. Bé thường cho ngón tay, đồ chơi hay bất kỳ vật gì có trong tay vào miệng để cắn, những triệu chứng này thường xảy ra trước khi răng nhú lên 3 - 5 ngày. Ngoài ra, để răng mọc được, nướu phải nứt ra, gây đau cho bé và rất có thể bị nhiễm trùng răng miệng. Những triệu chứng này khiến bé quấy khóc nhiều hơn và lười ăn uống, thậm chí có thể sút cân.
Có nhiều cha mẹ không để ý đến dấu hiệu mọc răng của bé, nên khi thấy bé biếng ăn và quấy khóc thường cho bé uống các loại men tiêu hóa và thuốc bổ.
Những lúc như vậy, cha mẹ cần giữ bình tĩnh và đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt ở các bệnh viện nhi, khoa nhi các bệnh viện để được điều trị giúp giảm các triệu chứng khi mọc răng. Các dấu hiệu này thường xuất hiện rồi tự hết trong vòng 3 - 7 ngày. Tất cả những biểu hiện đó chỉ là quá trình sinh lý bình thường.
Thanh Nhã