Có cả câu chuyện dài về bệnh “lười yêu” của các ông, bài này chỉ tập trung vào những giải pháp đánh thức chứng lười có “cửa ra” (thay vì ưỡn ngực chống lại tự nhiên kiểu “cải lão hoàn đồng”).
Mệt mỏi, thiên về calori (không phải là sự mỏi mệt tình dục) là thủ phạm dễ nhận ra và cũng dễ bỏ qua nhất. Hứng khởi có thể chẳng dựng dậy một người đàn ông nếu ông ta thường xuyên bị “hạ đường huyết”. Có thực mới vực được đạo: tổ chức lại dinh dưỡng, bớt dùng chất kích thích, năng vận động… là cách nhỏ mà có võ thúc lưng hệ chuyển hóa, qua đó cung ứng “xăng cộ” cho tình dục tốt hơn.
Nhuệ khí phai nhạt có thể rất dễ hiểu là do sức hấp dẫn của đối tượng không còn như xưa. Hãy bắt đầu thêm cũi vào lò từ chính tình dục qua những cuộc cách mạng nho nhỏ về động tác, tư thế, không gian, thời gian và tốt nhất đó phải là cuộc cách mạng kép cho cả người chung chăn gối. Không gì ủng hộ các “lãn ông” tốt hơn vẻ thiếu sức sống và chính sự “lười nhác” người dưới gối. Sức hấp dẫn “xác thịt”của phụ nữ không dễ trái ý tự nhiên, nên một chút trợ giúp nhân tạo có thể cần thiết. Tất nhiên mục tiêu “phẫu thuật thẩm mỹ” vị tình dục cần nhắm đến những đối tượng chuyên sâu ( nhũ hoa, âm đạo…) chứ không đơn thuần là làm đẹp diện mạo.
Sự bừng tỉnh của các ông có thể chỉ được giải quyết bằng giải pháp “vĩ mô” thay vì tẩn mẩn với những sửa chữa kiểu bu-loon, con tán. Chuyển chiến lược từ số lượng sang chất lượng chẳng hạn. Cố lên gân thỏa mãn cái tôi bằng số lượng, bằng những cuộc vui lu bù nhưng “chẳng đến đầu đến đũa” sẽ càng đẩy chứng “lười yêu” nhanh đến giai đoạn cuối.
Khoái cảm cũng có thể là “phương thuốc” hữu hiệu cứu chữa chứng lười. Khó tin nhưng có thật: khi giải phóng các ông khỏi trọng trách “lên đỉnh” bằng mọi giá cho mình, cho người dưới gối, thì tự khắc các ông hào hứng lên với giường chiếu. Tất nhiên đây là liệu pháp khó bởi nó cần sự hợp tác của người cùng ăn nằm. Không dễ thuyết phục các bà, các cô cam lòng gác lại quyền lợi để hâm nóng sự tỉnh táo của người trên gối.
Có nhiều điều tiếng, kể cả tai biến, về những trợ giúp từ các loại “xuân dược”, “ông uống bà khen” nhưng trong chừng mực, dược lực của chúng là không thể bỏ qua cho chứng “lười yêu”. Có thể thang “nhất dạ ngũ giao” không thể giúp các ông quay lại thời hoàng kim, nhưng chính sự “khấp khởi hy vọng” mà nó mang lại lại có thể là liều cà phê đậm giúp người dùng hoạt bát trên giường.
Có vẻ, trong số trần ai giường chiếu của các ông, chứng “lười” dễ “chữa” hơn cả. Nói vậy nhưng muốn lay tỉnh chứng “gà gật” cũng cần chút dụng công, không phải cứ đẩy một cái là “cỗ xe” lay chuyển ngay.
BS Đỗ Minh Tuấn