Con gái tôi năm nay 8 tuổi, bé đang học lớp 2, rất ngoan và chăm chỉ. Tuy là con gái nhưng bé rất nghịch ngợm, thích khám phá nên những gì không hiểu, bé hay hỏi ba mẹ. Con cái ham học hỏi, đó là mà điều các bậc phụ huynh đều ủng hộ nên bé hỏi gì, chúng tôi đều giải đáp cặn kẽ để bé hiểu sâu, nhớ lâu. Tuy nhiên, có nhiều thứ mà chúng tôi không thể nào giải thích được.
Hôm ấy, bé đang xem chương trình ca nhạc thiếu nhi trên ti vi, khi nghe ca sĩ nhí hát bài “Thằng cuội” của nhạc sĩ Lê Thương, bé bất ngờ quay sang hỏi tôi:
- Ba ơi, có phải người già thì chúng ta đều kính trọng, phải gọi là ông, bà, chú, bác, phải không ba?
- Đúng rồi con gái, đó là lẽ tất nhiên mà! Ở trường, thầy cô cũng dạy con như thế mà! – Tôi hơi ngạc nhiên vì câu hỏi của con.
- Nhưng sao mấy bạn trên ti vi lại hát “Có thằng cuội già ôm một mối mơ…”? Ông cuội già rồi, sao gọi là “thằng” vậy ba?
Tôi “cứng họng” vì câu hỏi của con. Thú thật là ngay từ nhỏ tôi đã nghe bài hát này nhưng chưa bao giờ tôi để ý chuyện này. Và nội dung bài hát có lẽ chỉ nhạc sĩ mới hiểu hết ý đồ trong đó chứ tôi không thể giải thích sao cho đúng mực, nên tôi đành “khất” lại câu hỏi này, hẹn bé khi khác sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
Lần khác, con bé lại thắc mắc với tôi:
- Sao chị Tấm ác thế mà truyện lại bảo chị hiền hậu như cô tiên vậy, ba nhỉ?
- Ai nói với con như thế?
- Không ai nói hết, con đọc truyện cổ tích này và con thấy như vậy mà ba!
Rồi cô bé kể cho tôi nghe những “cái ác” của cô Tấm, rằng cô trả thù bằng cách dùng nước sôi để tắm cho Cám, lấy thịt của Cám để làm mắm cho dì ghẻ ăn… Tôi thấy con nói cũng có lý. Và vấn đề này báo chí cũng đã “mổ xẻ” rất nhiều. Một khi con người có tấm lòng từ bi thì dù có bị hại cách mấy họ cũng chỉ nhẫn nhịn để vượt qua, hoặc ra sức chống trả chứ không dùng cái ác để trả thù ngược lại gấp bội lần.
Cha mẹ luôn giáo dục để hướng con đến điều thiện, mong muốn con trở thành một người tốt, có lòng vị tha, yêu thương mọi người. Thế nhưng, những chuyện ngoài mong muốn như trên liệu có ảnh hưởng đến tâm hồn bé thơ?
Nguyễn Thanh Vũ