Trẻ cảm nhận và đòi hỏi rất mãnh liệt về vị thế của bản thân mình trong các quan hệ xã hội, đặc biệt là với người lớn, vì nhu cầu khẳng định bản thân, cái tôi của trẻ hình thành và biểu hiện rất rõ nét. Đây chính là giai đoạn khó khăn trong công tác giáo dục nói chung và giáo dục gia đình nói riêng; đòi hỏi cha mẹ phải có sự quan tâm đặc biệt, sự hiểu biết, kiên nhẫn và tinh tế trong ứng xử với con mình.
Lấy sự tôn trọng làm nguyên tắc ứng xử
Cha mẹ cần lưu ý rằng khi vào tuổi dậy thì, trẻ có nhu cầu làm người lớn và nghĩ mình đã lớn. Tuy rằng, trong mắt của cha mẹ, con trẻ mãi là con trẻ, nhưng ở độ tuổi được xem là “khó bảo”, “bất trị” này, việc cư xử với trẻ ở vai trò là người lớn với kiểu giám sát, áp đặt không mang lại tác dụng. Việc tôn trọng bắt đầu đơn giản rằng: cha mẹ hãy xem trẻ là người lớn, lắng nghe những điều trẻ trình bày và chấp nhận cho trẻ bước vào thế giới người lớn với một thái độ thiện chí, đồng hành với trẻ như một người bạn hơn là vị trí kẻ cả, người trên.
Theo kịp nhịp sống của trẻ
Tuổi dậy thì luôn dựng lên cho mình một “hàng rào” để ngăn cách với những người mà trẻ cho là người lớn, là không hiểu mình. Việc hiểu trẻ đôi khi đơn giản đó chỉ là: biết trẻ đang xài ứng dụng internet gì, sử dụng mạng xã hội ra sao, các sản phẩm giải trí nào đang làm mưa làm gió, trẻ đang thần tượng ai, gặp áp lực học tập như thế nào,… Những việc này, cha mẹ nếu chỉ cần cố gắng “tháo bỏ định kiến”, hòa mình vào bằng cách trở thành người trong cuộc hoặc đơn giản không tham gia nhưng có cái nhìn khách quan về nó đã giúp các teen “hạ hàng rào” với mình. Chính thái độ chấp nhận và thể hiện sự hiểu biết của mình với những vấn đề mà teen quan tâm, cha mẹ đã mặc nhiên được teen tin tưởng, chia sẻ và việc quản lý của cha mẹ vì thế cũng sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều đối với cả 2 bên.
Trở thành bạn của con
Tuổi dậy thì với hoạt động chủ đạo là giao lưu bè bạn đã đặt vai trò một người bạn vào vị trí tối ưu trong việc tác động đến nhận thức, tình cảm, hành vi. Việc quản lý sẽ không còn căng thẳng khi cha mẹ chủ động đặt mình vào “vai” bạn của trẻ. Sẽ không còn những lần lén xem nhật ký, gọi điện hỏi han những người bạn chơi cùng con để rồi sau đó con phản ứng dữ dội, tiêu cực vì thấy mình bị tổn thương, coi thường. Khi ở vai một người bạn lớn thực sự, cha mẹ lắng nghe kiểu nói chuyện “chuẩn teen”, mở lòng và thiện chí với những “rung động giới tính” để trẻ tự tin tâm sự, đồng hành cùng trẻ trong những bài tập khó, những lần thất bại vì điểm số,… Tất cả những điều này có giá trị giải phóng một lượng lớn cảm xúc tiêu cực mà teen dành cho cha mẹ, song song đó, sự tin tưởng, mạnh dạn trình bày, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý cũng được teen mặc nhiên dành cho cha mẹ.
Đặt trẻ vào đúng vị trí trẻ yêu cầu – người lớn
Hãy cho teen thấy vai trò của mình trong đời sống gia đình. Đó là nội quy sinh hoạt gia đình sẽ được teen tham gia ý kiến: giờ nào? việc gì? mấy giờ phải có mặt ở nhà? phạm lỗi thì hình thức trách phạt ra sao?... Với điều này, cha mẹ cần lưu ý: chính mình phải trở thành tấm gương thuyết phục, và khi vi phạm thì việc nhận lỗi cũng không được đặc cách. Việc nói lời xin lỗi không làm cha mẹ bị hạ thấp vai trò mà ngược lại, đó chính là minh chứng để teen hiểu về tính trách nhiệm như thế nào.
Thừa nhận không gian riêng tư của trẻ – vì quả thực, trẻ đã lớn
Phòng riêng, góc riêng, bàn riêng thực sự là không gian luôn được teen ra sức gìn giữ. Đôi khi không phải nơi đó chứa đựng những “bí mật động trời”, chỉ đơn giản: teen muốn được tôn trọng và giữ gìn những điều thuộc về chính mình. Cha mẹ cần hỏi ý kiến trẻ (dù chỉ là hình thức) khi xâm phạm những nơi riêng tư ấy, đôi khi chỉ đơn giản là: “Mẹ vào phòng con được không?”, “Bố làm việc trên bàn học của con tạm hôm nay nhé!”. Điều này có tác dụng hạn chế sự phòng thủ của teen vì luôn lo sợ cha mẹ sẽ xâm nhập bất cứ lúc nào và việc giấu diếm, phản ứng tiêu cực rất dễ xảy ra.
Để trẻ hình thành lòng tin bằng việc “nghe con nói”
Và không chỉ nghe một cách hình thức. Tuổi dậy thì đã có sự hình thành nhân sinh quan, khả năng đánh giá sự việc một cách tương đối. Vì thế, trong việc lắng nghe trẻ, cha mẹ cần thể hiện cả việc xem xét các giải pháp mà trẻ đưa ra xung quanh các vấn đề: việc học, việc chơi, sinh hoạt gia đình, hoạt động xã hội,… Việc lắng nghe hình thức (nghe mà không ghi nhận nội dung) khiến trẻ dần rơi vào tự ti, kiệm lời và không đặt niềm tin vào cha mẹ. Hãy cho trẻ thấy sự tôn trọng mà cha mẹ dành cho con một cách cụ thể: góp ý cho hoàn thiện các giải pháp mà trẻ đưa ra và biến chúng thành hiện thực – “Nếu tụi con bán món đó trong hội chợ ẩm thực thì chuyện an toàn cháy nổ thì sao? Sao mình không bán những món chế biến sẵn?!”, “Ý tưởng trang trí phòng của con tốt đó, nhưng giả sử mẹ muốn đặt bức tranh gia đình này vào 1 góc trong phòng con, con tính xem đặt ở đâu là phù hợp ?”, “Theo con, khi mình bỏ nhiều thời gian để nhớ bạn ấy như vậy thì mình có tập trung học được không? Mà học dở thì có chắc người ta cũng thích mình?”…
Khôn lớn cùng con, chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt với teen. Xuyên suốt tuổi dậy thì của trẻ, việc cha mẹ cần làm là tôn trọng tính tự lập đồng thời chủ động hóa thân vào vai trò bạn đồng hành để hướng dẫn, giúp đỡ trẻ xây dựng được mối quan hệ đúng mực, tích cực với người lớn và mối quan hệ trong sáng, lành mạnh với bạn bè.
ThS Tô Nhi A
Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM