Đóng bỉm có tác hại không?
Bé thường đi tiểu nhiều lần nên phải đi vài lần, có khi lại kèm đi ngoài nữa mới được thay bỉm khác. Như vậy, các chất cặn bã do cơ thể đào thải ra sẽ đọng lại tại bỉm, vi khuẩn sẽ phát triển, gây viêm nhiễm tại chỗ, hoặc viêm ngược dòng lên đường tiết niệu, nhất là các bé gái, niệu đạo lại ngắn, gây ngứa ngáy, khó chịu. Mặt khác, nếu cứ bài tiết tự động trong bỉm, bé sẽ mất phản xạ gọi để báo cho cha mẹ lúc cần đi khi đã biết nói. Đó là chưa kể đến việc bé rất hay bị hăm khi đóng bỉm thường xuyên.
Vậy có nên đóng bỉm cho bé?
Nói như vậy, không có nghĩa là loại hoàn toàn bỉm ra khỏi đồ dùng hằng ngày của bé. Nếu biết cách, cha mẹ vẫn có thể cho bé dùng bỉm mà không hại đến sức khỏe. Vậy, sử dụng bỉm như thế nào là phù hợp?
Hiện nay, các bà mẹ đã được nghỉ sinh 6 tháng. Trong thời gian này, mẹ luôn được gần bé, mà trong lứa tuổi này, bé vẫn đi tiểu 15 - 20 lần/ ngày. Mẹ nên cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, đồng thời dùng 1 miếng vải xô mềm gấp lại để có độ dày vừa phải, rồi đặt lót cho bé. Khi bé tiểu hoặc đi ngoài, mẹ nên thay ngay chiếc lót khác để giữ vệ sinh cho bé. Sau năm đầu, số lần đi tiểu giảm nhiều và có thể tập cho bé tiểu chủ động theo thời gian nhất định. Đối với các bé trai, cha mẹ nên áng chừng giờ đi tiểu hoặc khi có dấu hiệu dự báo bé sắp tiểu, hãy lấy một chiếc cốc nhựa nhỏ để hứng, sẽ không thấm ra lót.
Tuy nhiên, khi di chuyển trên đường hoặc đêm khuya, bé ngủ say, cha mẹ có thể đóng bỉm cho bé, để quần áo bé luôn khô ráo và giấc ngủ đêm được ngon lành, mà cha mẹ cũng không phải thức giấc để thay tã lót.
Bé càng lớn dần càng ít ăn đêm, tần suất đi tiểu cũng giảm, lại kiểm soát được nhu cầu bài tiết của bản thân nên cha mẹ cũng dần tập cho bé thói quen không dùng bỉm.
BS.CK1 Phạm Thị Thục
Nguyên Trưởng phòng khám Nhi, BV Bạch Mai