Đừng từ chối sự giúp đỡ
Bạn không sống một mình, bạn chung sống với mọi người xung quanh. Vì thế, không phải việc gì bạn cũng có thể tự mình vượt qua tất cả. Sức mạnh của nhiều người là sức mạnh không gì bẻ gãy được. Đừng từ chối sự giúp đỡ cho dù nó đến từ phía bạn hay đến từ những người xung quanh.
Lúc này đây, việc tổ chức sắp xếp lại công việc trong nhà sẽ giúp ổn định sinh hoạt của gia đình. Tạm thời, trong lúc chưa tìm được người giúp việc mới, bạn có thể lập bảng phân công công việc cho từng thành viên trong gia đình. Chẳng hạn như buổi sáng trong lúc bạn cho con nhỏ ăn thì chồng chuẩn bị đồ để đưa con đến nhà trẻ, bạn có thể đi làm muộn nên sẽ đưa con đi học, giờ tan sở của chồng sớm hơn của bạn nên chồng đón con vào buổi chiều… Nếu gia đình có ông bà nội hoặc ông bà ngoại rảnh rỗi thì nhờ ông bà trông cháu hộ cho vợ chồng bạn đi làm. Nếu ông bà không còn thì có thể nhờ sự giúp đỡ từ các thành viên khác trong gia đình như cô, dì, anh chị em ruột, anh chị em họ…
Dù sao, qua giai đoạn này, nếu gia đình bạn cảm thấy tự thu xếp được, không cần phải thuê người giúp việc nữa thì quá tốt. Nếu bạn cảm thấy quá vất vả, vượt quá khả năng của gia đình, hay còn nhiều công việc khác cần bạn phải quan tâm hơn… và quan trọng là gia đình vẫn cần một người giúp việc thì phải nhanh chóng thông báo thông tin này đến người thân, bạn bè và nhờ họ giúp đỡ tìm người thân quen.
Bên cạnh kênh thông tin đáng tin cậy này, bạn có thể đến trung tâm giới thiệu người giúp việc uy tín giới thiệu giúp.
Tìm được rồi thì giữ thế nào đây?
Làm sao để người giúp việc ở lâu dài với bạn, không bỏ đi luôn sau mỗi dịp lễ tết, đó là chuyện đau đầu đối với người nội trợ. Theo kinh nghiệm của nhiều người, bên cạnh việc đối xử tốt, chủ nhà còn cần một số "mẹo" khác như:
- Nên tìm hiểu gia cảnh để chọn người thực sự cần đi làm để có nhu cầu giữ việc. Tốt nhất là nên biết rõ chỗ ở của họ.
- Duy trì nguyên tắc thương yêu và chia sẻ với họ. Chẳng hạn, người giúp việc không biết chữ mà bạn thường dành thời gian dạy chữ hoặc tạo điều kiện cho người giúp việc học chữ. Người giúp việc tự sâu đáy lòng sẽ yêu mến bạn nên khó mà bỏ việc vì họ trọng tình.
- Việc tính lương nên được bắt đầu ở mức thấp nhất so với giá thị trường để sau đó còn có dịp tăng lương. Đây cũng là cách để người giúp việc cảm thấy vui và hứng thú nhiều hơn với công việc họ đang làm. Chỉ nên trả lương vào cuối tháng. Về chuyện tăng lương thì nên để gần Tết tăng. Tết về với tâm trạng được tăng lương thì người giúp việc sẽ có động cơ mau chóng trở lại hơn.
- Nếu quê xa, một năm chỉ được về 1-2 lần có phụ cấp tàu xe. Nếu quê gần, có thể nhiều hơn, nhưng cũng phải quy định số lần có phụ cấp, đi nhiều hơn thì tự lo tàu xe. Nghỉ cũng vậy, mỗi năm chỉ được nghỉ một số ngày nhất định, nghỉ quá trừ vào lương.
- Cần tôn trọng người giúp việc. Không nên có khái niệm "người làm" hay ôsin mà gọi họ là “bảo mẫu” hoặc quản gia. Họ cảm thấy được tôn trọng nên cũng sẽ yêu quý bạn hơn.
- Nếu nhà bạn có điều kiện thì có thể tặng quà cáp cho gia đình người giúp việc mỗi khi họ về quê; hoặc tặng những đồ còn tốt trong nhà mà mình ít hoặc không dùng đến.
- Về công việc, nên để người giúp việc bận rộn một chút từ đầu, đừng để nhàn rỗi quen, đến lúc sinh em bé hay nhà thêm việc lại ngại.
Tuy nhiên, ứng xử với người giúp việc là cả một “nghệ thuật sống” chưa có sách nào dạy. Vì vậy, trong khi thị trường chưa cung cấp được nhiều đội ngũ người giúp việc chuyên nghiệp với mức lương hợp lý, muốn có được người giúp việc tốt là cả một quá trình tự học hỏi, rút kinh nghiệm. Thêm vào đó, chắc chắn bạn phải là người may mắn. Bởi, ngay cả khi bạn sẵn sàng trả lương rất cao, việc có một người giúp việc như ý vẫn là điều không dễ.
Theo Đỗ Toàn (bacsigiadinh.org)