Trong số đó, gần một nửa là la khóc, quay mặt đi, che miệng hay gạt thức ăn đi, nhưng khi người nhà dỗ dành hoặc giữ trán, bóp miệng để đút được cháo, sữa vào thì sẽ nuốt. Hơn nửa còn lại là tình trạng ngậm, không nhai, không nuốt. Những trường hợp này, dù bữa ăn không ồn ào, náo nhiệt như cho các bé khó ăn, nhưng bữa ăn thường kéo dài hơn 1 – 2 tiếng đồng hồ mà đôi khi bố mẹ, ông bà vẫn đành “botay.com”!
Vì sao bé ngậm?
Không có bé nào thích ăn, đòi ăn mà ngậm cả, chỉ khi bé không thích ăn mới ngậm. “Ngậm” là một phản xạ nên nếu biết cách xử lý, có thể sẽ giảm đi sau một vài tuần xuất hiện; còn nếu được “củng cố”, lâu dần sẽ thành “tật” ăn ngậm.
Làm gì khi bé ngậm?
1. Khi bé có biểu hiện biếng ăn, ngậm, cần chú ý:
- Thay đổi món ăn, cách chế biến cho bé không nhàm chán.
- Thay đổi giờ giấc ăn, bú, khoảng cách giữa các lần ăn và sữa.
- Thay đổi bát, thìa cho bé ăn, vị trí cho bé ngồi ăn.
2. Với những bé đã có tật ngậm, tốt nhất, nên tập trung sự chú ý của bé vào bữa ăn như: cho ăn cùng gia đình, có anh chị bé càng tốt. Khi thấy mọi người nhai, nuốt bé sẽ được củng cố phản xạ nhai nuốt.
3. Không để bữa ăn kéo dài quá 1 giờ. Sau 30-45 phút, nếu thấy khó tiếp tục, cha mẹ nên cho bé ngừng ăn. Chấp nhận giai đoạn đầu bé sẽ bị ăn thiếu so với nhu cầu, nhưng cha mẹ phải kiên quyết cho bé ăn đúng thời gian và số bữa ăn quy định, dần dần sẽ tăng số lượng thực phẩm ở mỗi bữa.
4. Có thể gặp bác sĩ để cho bé bổ sung thêm thuốc bổ, tránh để bé bị thiếu chất.
5. Không để bé có cơ hội ngậm. Nếu bé ăn 2 -3 thìa rồi bắt đầu ngậm, cha mẹ không được thụ động ngồi đợi bé nuốt, mà phải nhắc nhở, động viên bé nhai nuốt. Hãy dùng thức ăn bé thích để “mồi” (như nuốt miếng cháo sẽ cho miếng trái cây, sữa chua…).
6. Chia nhỏ phần ăn để động viên bé. Chỉ múc ra 1/4 - 1/3 khẩu phần ăn nhu cầu, khi bé ăn hết hãy thưởng cho bé 1/2 hộp váng sữa, 1 cái bánh… hay bất cứ thứ gì bé thích.
7. Tuyệt đối không la hét, hãy nói chuyện với bé, mềm mỏng nhưng phải cương quyết.
8. Chú ý khen ngợi ngay khi bé có tiến bộ.
Cha mẹ cần biết:
Không có “thuốc” nào trị được ngay tật ngậm của bé, muốn thay đổi một thói quen cũ, chỉ có tình thương yêu và sự kiên trì của bố mẹ. Hãy nhớ “tật” đã có bao nhiêu tháng thì cần bấy nhiêu tháng để sửa “tật”.
BS.CK1 Phan Thị Hiền Thu
TT Dinh Dưỡng, TP.HCM